Vào năm 2030, Việt Nam có thể cắt giảm phát thải carbon, giảm thiểu thiệt hại 2,3 tỷ USD trong các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.

Cần quy hoạch tốt các diện tích trồng cà phê. Ảnh: nongsanvietnam.vn
Cần quy hoạch tốt các diện tích trồng cà phê. Ảnh: nongsanvietnam.vn

Đây là dự báo trong công bố “Reviewing Vietnam’s Nationally Determined Contribution: A New Perspective Using the Marginal Cost of Abatement” của Trần Đại Nghĩa, Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và các đồng nghiệp quốc tế tại Đại học Stockholm, Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Quỹ Ecotonos, Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), trường đại học Monash trên tạp chí Frontiers in Sustainable Food Systems.

Các tác giả nhận định, trong tiến trình thực hiện cam kết đạt những mục tiêu mà Thỏa thuận chống biến đổi khi hậu Paris 2015, Việt Nam là một trong số các quốc gia có nhiều thuận lợi khi đã hình thành một số chỉ tiêu về đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally determined contributions NDCs), vốn chủ yếu tập trung vào hiệu quả hoạt động của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác (AFOLU).

Trong số 51 chỉ số của ngành AFOLU, họ tìm ra 41 chỉ số đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp sản xuất bền vững như quy hoạch tốt các diện tích trồng cà phê, thực hiện việc tưới nước xen kẽ theo từng thời kỳ cho các diện tích trồng lúa thay vì tưới nước quanh năm, cung cấp thức ăn gia súc với chất lượng được cải thiện.

Nếu tuân thủ 41 chỉ số, việc đạt được những con số trên là có thể, đặc biệt giảm 51% phát thải carbon năm 2030 khi dân số ước tính trên 100 triệu người.