Từ "hiện tượng Đoàn Ngọc Hải", các chuyên gia Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng sẽ tiếp tục trao đổi để đề xuất xây dựng các đề tài nghiên cứu về văn hóa vỉa hè.

Rất quan tâm tới chủ đề nghiên cứu “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” mà tiến sỹ (TS) Phạm Phương Chi - Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đề xuất trên Khoa học và Phát triển số 921, với sự trao đổi, chia sẻ ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu trong các số báo sau đó, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về văn hóa vỉa hè từ góc nhìn đa chiều.

Với gần 30 nhà nghiên cứu tham gia, buổi tọa đàm hướng đến bàn luận các ý tưởng nghiên cứu về chủ đề này cũng như triển vọng thực hiện.

Ông Đoàn Ngọc Hải trong một buổi ra quân “dọn dẹp vỉa hè”. Ảnh: An Đàm

Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - cho rằng vỉa hè của các đô thị Việt Nam, đặc biệt đối với vỉa hè Hà Nội, không đơn thuần là không gian vật chất mà đã tích hợp nhiều yếu tố văn hóa để dần dần trở thành một thực thể văn hóa.

Bên cạnh chức năng là không gian dành cho người đi bộ, vỉa hè còn là không gian kinh tế, không gian sinh hoạt, không gian xã hội đặc thù, không gian của ký ức... và tất cả các yếu tố đó khiến nó trở thành không gian văn hóa đặc trưng của các đô thị lớn Việt Nam, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của thành phố. Bởi vậy, khi thực hiện các chính sách can thiệp liên quan đến vỉa hè, nếu chỉ xem vỉa hè như một không gian thực thể thì sẽ dễ gặp khó khăn.


Từ nhận định đó, PGS-TS Phương Châm đề xuất một số hướng nghiên cứu như: Bối cảnh tạo dựng và duy trì văn hóa vỉa hè ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (đầu thế kỷ 20, trong chiến tranh, trong thời bao cấp, giai đoạn đổi mới và hiện tại); các chính sách liên quan đến vỉa hè; các hoạt động sinh kế và chiến lược mưu sinh trên vỉa hè Việt Nam; chiến dịch “dọn dẹp vỉa hè” ở TPHCM vừa qua và các tác động xã hội của nó; những khía cạnh xung đột và sự thỏa hiệp liên quan đến chiến dịch dọn dẹp vỉa hè như xung đột về giá trị, xung đột giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý và tình, giữa tâm lý thỏa hiệp, xin - cho và các hình thức can thiệp nghiêm ngặt của chính quyền...).

PGS-TS Phạm Quỳnh Phương đề xuất nghiên cứu về văn hóa vỉa hè ở khía cạnh diễn ngôn. Theo bà, văn hóa vỉa hè tuy vẫn tồn tại suốt nhiều thời kỳ nhưng chưa bao giờ nổi lên như một vấn đề gây tranh luận sôi nổi như hiện nay. Từ câu chuyện vỉa hè, cần nghiên cứu về triết lý phát triển của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Một số ý tưởng, hướng nghiên cứu khác cũng được các nhà khoa học đề xuất.

PGS-TS Phương Châm cho biết trong thời gian tới, các chuyên gia Viện Nghiên cứu văn hóa sẽ tiếp tục trao đổi để đề xuất xây dựng các đề tài nghiên cứu về văn hóa vỉa hè. Khoa học và Phát triển sẽ đăng tải chi tiết ý kiến tại buổi toạ đàm cũng như ý kiến của các chuyên gia khác liên quan đến chủ đề này trong những số báo sau.