"Hiện nay, đa phần các nhà sản xuất/tái chế ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mức gia công phôi kim loại, nghĩa là đúc ra sản phẩm thô và đưa sang nước ngoài để họ đưa vào dây chuyền sản xuất lớn" - TS Nguyễn Đức Quảng - bộ môn Quản lý môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội nói.


Chúng ta đang thu hồi chì trong chất thải điện tử bằng cách đưa vào lò nung, đến nhiệt độ khoảng 500 độ C thì sẽ thu được chì thô. Từ chì thô đó, để thu được chì tinh khiết sử dụng trong quá trình sản xuất công nghiệp, phải qua điện phân.

Việc thực hiện quy trình điện phân đòi hỏi phải có công nghệ cao, đầu tư thiết bị tốn kém, chi phí vận hành cao. Chính vì thế mà hiện nay, đa phần các nhà sản xuất/tái chế ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mức gia công phôi kim loại, nghĩa là đúc ra sản phẩm thô và đưa sang nước ngoài để họ đưa vào dây chuyền sản xuất lớn. Như vậy, Việt Nam trở thành nơi sản xuất dòng nguyên liệu thứ cấp phục vụ các nước sản xuất và tinh chế.

Việc thu hồi các kim loại khác như đồng cũng đang được thực hiện theo quy trình tương tự. Câu chuyện cần nói ở đây là nếu có một dây chuyền công nghệ hiện đại, có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thì chúng ta có thể biến nguyên liệu thứ cấp thành những nguyên liệu tinh khiết. Sau đó, chúng ta có thể cung cấp kim loại dưới dạng nguyên liệu công nghiệp cho thị trường xuất khẩu.