Mô hình phát triển mang tên “Phép màu Đông Á” sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với việc công nghệ thay đổi, sự chững lại của tăng trưởng thương mại và sự thay đổi bối cảnh của các quốc gia nếu muốn giữ vững mức phát triển như hiện nay.

Hình ảnh tại lễ công bố Báo cáo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Trong báo cáo “Một Đông Á phục hưng, điều hướng một thế giới đang thay đổi” được công bố ngày 10/12, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng khu vực Đông Á đã có mô hình phát triển rất thành công trong giai đoạn trước, khi kết hợp giữa tăng trưởng hướng ngoại, phát triển vốn nhân lực và quản trị kinh tế lành mạnh.

Nửa thế kỷ trước, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn là các nước nông nghiệp nghèo đói. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động kinh tế khu vực này đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả các quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập cao, đóng góp gần 1/3 GDP toàn cầu. Hơn 90% dân số đang sinh sống tại 10 quốc gia có thu nhập trung bình gồm: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong một hoặc 2 thế hệ nữa.

“Trong vòng 25 năm qua, khu vực Đông Á nổi lên là khu vực phát triển thành công nhất. GDP của khu vực này tăng gấp 3 từ năm 2000”, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho biết.

“Một tổ hợp các chính sách thúc đẩu tăng trưởng hướng ngoại, thâm dụng lao động, đồng thời tăng cường vốn nhân lực cơ bản và cung cấp quản trị kinh tế lành mạnh đã mang lại sự tăng trường nhanh chóng và bền vững, giúp hàng trăm triệu người Đông Á thoát khỏi đói nghèo và bảo đảm về mặt kinh tế”, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương nhận định.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, khoảng cách về năng suất lao động, vốn nhân lực và mức sống của các quốc gia trong khu vực này vẫn cách khá xa so với các quốc gia có thu nhập cao. Báo cáo chỉ ra bài học thành công của giai đoạn trước chưa chắc còn phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần điều chỉnh các yếu tố của mô hình phát triển Đông Á truyền thống để đáp ứng hiệu quả những thách thức mới nổi này.

Để giải quyết các thách thức này, Báo cáo cho rằng các nước cần kết hợp cả chính sách mới và cũ trong 5 lĩnh vực chính là: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế, xây dựng kỹ năng, tăng cường hòa nhập, tăng cường thể chế nhà nước và hỗ trợ cho việc chuyển đổi dịch sang quốc gia có thu nhập cao.

Về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam, ông Sudhir Shetty cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể có cơ hội hưởng lợi từ chuyển dịch thương mại từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, trong trung hạn, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm các nguy cơ của nền kinh tế, đồng thời, tận dụng cơ hội của việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA.

“Hiện sân chơi trong nước đã có nhiều cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng nhưng cũng cần nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai; giải quyết những sự mất cân đối và tăng cường liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp nước ngoài”, ông Sudhir Shetty nhận định.

Đại diện WB cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã “nhìn xa, trông rộng” về công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0 khi nhìn ra được những cơ hội và thách thức của công nghệ số. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với internet mới chỉ dừng lại ở mức 30%, chưa kể với những đối tượng là người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa thì tỷ lệ tiếp cận còn thấp hơn nữa. Vì vậy, muốn đến gần hơn với những công nghệ hiện đại, trước mắt cần nâng cao khả năng tiếp cận internet cho người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn, để họ có được thông tin và hưởng dịch vụ công theo cách thuận tiện và rẻ tiền nhất.

Ông Sudhir Shetty cũng lưu ý, khi công nghệ phát triển, hàm lượng dịch vụ ngày càng quan trọng, Ví dụ, như với chiếc điện thoại di động, giá trị không chỉ ở phần cứng của nó mà là những dịch vụ, phần mềm được lồng ghép. Việt Nam và các nước trong khu vực là cần tiếp tục mở cửa lĩnh vực dịch vụ, thương mại.