Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định dải nước biển đỏ xuất hiện ở Quảng Bình ngày 4-5 không phải là thủy triều đỏ.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm - người đã có mặt trực tiếp lấy mẫu nước biển đỏ ở Quảng Bình và đãphỏng vấn người dân ở khu vực này -cho biết ông và nhóm chuyên gia của viện Hải dương học đã lấy nhiều mẫu để tiến hành phân tích tại hiện trường, bước đầu nhận định vệt nước đỏ dài 1,5km ở Quảng Bình không phải là thủy triều đỏ.

Trong thành phần nước biển phân tích, mẫu tảo không có đủ độ dày đặc của hiện tượng thủy triều đỏ.

GS Lâm cho biết, theo khảo sát khu vực quanh nơi xuất hiện dải nước đỏ có nhiều đất đỏ, không loại trừ khả năng đất đỏ bị sóng đánh ra biển, tạo thành vệt nước dài có màu đỏ.

Hiện tượng này có thể xảy ra lặp đi lặp lại mỗi khi có sóng biển to. Kết hợp với thông tin phỏng vấn từ người dân sinh sống tại khu vực bờ biển này, ông Lâm đánh giá là hoàn toàn phù hợp với kết quả phân tích, đánh giá của ông và cộng sự.

Theo GS Lâm, nhóm nghiên cứu của Viện Hải dương học đang tiếp tục khảo sát, điều tra khu vực xung quanh nơi xuất hiện dải nước đỏ.

Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện phân tích sâu tại phòng thí nghiệm để hoàn thiện kết quả đánh giá nộp cho tổ công tác về sinh học trong đoàn nghiên cứu về nguyên nhân gây chết cả ở vùng biển miền Trung của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ VN để Viện chính thức công bố.

Trước đó, ngày 4/5, tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xuất hiện một dải nước biển ven bờ có màu đỏ, dài khoảng 1,5km, rộng khoảng 10m.