Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề xuất một số giải pháp đối phó với tình trạng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đang giảm mạnh trong tháng 1/2019.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (AMI), giá trị xuất gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 đã giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, trong tháng 1/2019, Việt Nam chỉ xuất được 334 ngàn tấn gạo, tương đương với 142 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 239 triệu USD trong tháng 1 năm 2018, và 195 triệu USD năm 2017. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta là Trung Quốc chỉ nhập 3,8 triệu USD gạo từ Việt Nam trong tháng 1 năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với 57 triệu USD trong tháng 1/2018 và 42 triệu USD trong tháng 1/2017. Một số thị trường khác cũng giảm nhập khẩu gạo Việt Nam, như Indonesia từ 27 triệu USD (tháng 1/2018) xuống còn 659 ngàn USD (tháng 1/2019).

Người nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng. Nguồn: tuyengiao

Nguyên nhân của tình trạng trên cũng được chỉ ra trong báo cáo. Theo đó, giá trị xuất khẩu gạo bị suy giảm là do:

Thứ nhất, bối cảnh chung của thế giới, nhu cầu gạo của châu Á và châu Phi giảm. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan cũng giảm 5%;

Thứ hai là do lệnh hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc, quốc gia này đã đưa ra các điều kiện khắt khe hơn và dự kiến sẽ giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam từ 1,5-2 triệu tấn/năm xuống còn 500.000-600.000 tấn trong năm 2019. Từ những tháng cuối năm 2018, thị trường gạo đã có dấu hiệu chững lại, nhất là khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu một số loại gạo lên 40% (trong đó có cả gạo nếp nhập từ Việt Nam). Thay vào đó, Trung Quốc chủ trương chuyển sang nhập khẩu nhiều gạo của Thái Lan, Campuchia và Pakistan. Từ năm 2017, Trung Quốc đã kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo chặt chẽ hơn. Hiện nay chỉ còn 19 doanh nghiệp trong tổng số khoảng trên 150 doanh nghiệp trước đây của Việt Nam được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.

Gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao song năng lực tiếp cận, xâm nhập thị trường, ký kết hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Tuy nhiên, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng tại các nước biết đến.

Là một nước nông nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Để ứng phó với tình trạng trên, báo cáo của AMI cũng đưa ra một số giải pháp sau:

Về ngắn hạn, tạm ứng tiền hỗ trợ lãi suất tiết kiệm cho một số doanh nghiệp xuất khẩu để họ có thể tiến hành mua tạm trữ lúa gạo nhằm tạm thời tăng cầu trên thị trường, tạo ra nhu cầu mua lúa của nông dân, nới bớt sức ép giảm giá lúa.

Về dài hạn, cần xây dựng một hệ thống dự báo, phân tích thị trường một cách cách bài bản để đưa ra các thông tin đáng tin cậy cho phép cảnh báo kịp thời trước khi xảy ra mất cân bằng cung cầu. Ngoài ra, cần thay đổi cơ cấu giống lúa để nâng cao chất lượng, tăng tỷ trọng gạo thơm và gạo nếp, đầu tư cánh đầu mẫu lớn để tránh gạo bị pha tạp. Cùng với đó, cần có kế hoạch chuyển đất lúa sang các mục đích sử dụng nông nghiệp khác để tăng giá trị và tăng hiệu quả chứ không tăng diện tích và sản lượng.