Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc xây dựng hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở các vùng miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học trong cả nước sẽ giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST.


Nội dung này được Thứ trưởng chia sẻ tại "Hội thảo Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng", diễn ra sáng 9/9 tại TP Hải Phòng.


 Toàn cảnh Hội thảo Liên kết xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Toàn cảnh hội thảo "Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
vùng Đồng bằng sông Hồng".

Tham dự hội thảo có ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.

Đây là sự kiện do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Sở KH&CN TP Hải Phòng phối hợp tổ chức - một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam nói chung và các hoạt động khởi nghiệp ĐMST nói riêng tuy mới hình thành nhưng ngày càng phát triển và đạt những kết quả khả quan.

"Trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam, điều quan trọng là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các vùng miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong vùng. Đây chính là tiền đề để xây dựng mối liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức tài chính vùng Đồng bằng sông Hồng, đại diện các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, Quỹ đầu tư Vùng Đồng bằng sông Hồng trao đổi, thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Lê Khắc Nam, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện những mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học và công nghệ mà lực lượng trọng tâm là các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ĐMST.

Để hạn chế rủi ro, để những “hạt giống” ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST “nảy mầm” và phát triển, Nhà nước cần thúc đẩy tạo lập và hỗ trợ phát triển một môi trường ươm tạo tốt, một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có điều kiện phát triển thành công.

 Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng.

UBND TP. Hải Phòng cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP. Hải Phòng đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2020 là hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp ĐMST, trong đó ít nhất 20% dự án gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư;phát triển 50 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN.

Ông Nam cũng cho biết thêm, để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tổng hợp, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST, định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest Haiphong); xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp ĐMST và các tổ chức, quỹ đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST của thành phố với các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và quốc tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Tùng kỳ vọng thông qua hội thảo, các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng có thể trao đổi để cùng nhau xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương.

"Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương một cách nghiêm túc, bài bản và chuyên nghiệp. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần có chủ trương, kế hoạch cụ thể, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phát triển thị trường và Doanh nhiệp KH&CN, Văn phòng Đề án 844 để đạt hiệu quả cao nhất" - Thứ trưởng nhấn mạnh.


Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với 11 nội dung hỗ trợ thuộc 3 nhóm hỗ trợ cơ bản thúc đẩy liên kết trong cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cần thiết và đặc thù cho khởi nghiệp ĐMST.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; thiết lập được cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1000 tỷ đồng; đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2000 tỷ đồng.