Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng một bộ mã định danh thống nhất nhằm giúp đơn giản hóa các quy định, tăng cường quản lý và truy xuất thiết bị y tế từ quá trình sản xuất đến hết vòng đời sử dụng.

Hiện nay, các bệnh viện đang sử dụng đồng thời nhiều phương thức định danh khác nhau để quản lý các trang thiết bị y tế, ví dụ như: mã định danh duy nhất UDI, bộ danh pháp GMDN, tiêu chuẩn ISO… Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện cũng có bộ mã định danh riêng để đáp ứng các yêu cầu nội bộ. Do đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế cũng chưa có sự đồng nhất khi quản lý mã trang thiết bị theo các quy tắc riêng của đơn vị mình, ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo “Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực y tế” do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng Đo lường, Bộ KH&CN) và Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đồng tổ chức vào ngày 20/4

Ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế). Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế). Ảnh: BTC

“Trước tình trạng này, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu, xây dựng một bộ mã định danh thống nhất, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước và quản lý nội bộ, hài hòa với quy định trên thế giới để giúp đơn giản hóa các quy định, tăng cường quản lý và truy xuất thiết bị y tế từ quá trình sản xuất đến hết vòng đời sử dụng”, ông cho biết.

Cùng với đó, để thực hiện quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống truy xuất nguồn gốc, hai Bộ đang phối hợp nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và vận hành module về truy xuất nguồn gốc trang thiết bị và vật tư y tế nhằm nâng cấp, mở rộng cho Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Khi hoàn thành, bộ mã định danh quản lý trang thiết bị y tế và hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp cho việc quản lý của các cơ quan thuận lợi hơn, giải quyết được các tình trạng như: sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả, kém chất lượng; thu mua sản phẩm đã qua sử dụng để đóng gói, tái chế thành sản phẩm mới, hay nhập lậu các sản phẩm, giả nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng y tế phổ biến trên thị trường.

Đồng thời, giải pháp này cũng có thể giúp kiểm soáthiện trạng của các trang thiết bị như chủng loại, số lượng, đơn vị cung ứng, đơn vị sử dụng. Các đơn vị sản xuất, phân phối sẽ tránh được tình trạng không có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế và người tiêu dùng, từ đó giúp cho hoạt động điều phối khẩn cấp diễn ra nhanh chóng và thông suốt hơn, theo ông Nguyễn Tử Hiếu.

Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng TCTCĐLCL (Bộ KH&CN). Ảnh: BTC
Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng TCTCĐLCL (Bộ KH&CN). Ảnh: BTC

Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng Đo lường cũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trong chuỗi cung ứng là nhu cầu cấp thiết đối với người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng.

"Việc truy xuất nguồn gốc trang thiết bị y tế không những giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tay người sử dụng mà còn giúp các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, xử lý và thu hồi sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả hơn khi xảy ra sự cố, đồng thời có tác động tích cực trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng", ông nhấn mạnh.