Vai trò quan trọng của công nghệ sinh học trong việc đảm bảo an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường… thể hiện rõ qua chương trình KC.04, đặc biệt là kết quả xác định đột biến gene để điều trị trúng đích ung thư phổi, đại trực tràng.

Chữa ung thư trúng đích, hiệu quả tăng

Chương trình KC.04 (Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học) đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu 2011-2015, nhiều kết quả đã được ứng dụng thành công, trong đó có nghiên cứu điều trị trúng đích ung thư phổi và ung thư đại trực tràng có đột biến gene EGFR, KRAS và BRAF.

TS Trần Huy Thịnh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết kết quả theo dõi ở nhóm bệnh nhân có gene đột biến và bệnh nhân không có gene đột biến sau 3 tháng và 6 tháng điều trị: “Tỷ lệ bệnh nhân có gene đột biến tiến triển tích cực sau 3 tháng điều trị là 68% và sau 6 tháng là 80%. Ở nhóm không mang gene đột biến, tỷ lệ bệnh nhân có tiến triển tích cực giảm từ 52,7% xuống còn 40%”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu taị hội nghị tổng kết KC.04. Ảnh: NV
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu taị hội nghị tổng kết KC.04. Ảnh: NV

Dẫn chứng cụ thể về hiệu quả của phương pháp này: Một bệnh nhân nữ 58 tuổi, bị ung thư phổi đã di căn lên não. Sau 9 tháng điều trị, khối u ở phổi và 2 tổn thương di căn não biến mất. Sau 5 năm, bệnh nhân được xác định là đã ổn định.

Nhóm nghiên cứu cũng cho ra đời bộ kit xác định đột biến gene EGFR và KRAS trên bệnh ung thư phổi và đại trực tràng. Sản phẩm có độ nhạy, độ chính xác tương đương hàng ngoại nhập.

GS-TS Trương Nam Hải - Chủ nhiệm chương trình KC.04 - cho biết, các dự án trong chương trình đã góp phần giúp chủ động sản xuất, tăng năng suất và giảm giá thành, thay thế nhiều sản phẩm ngoại nhập như bộ kit phục vụ điều trị trúng đích với ung thư phổi, ung thư đại trực tràng; phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng, vắcxin phòng, chống bệnh hoại tử thần kinh cho cá... Trong đó, dự án điều trị ung thư trúng đích dựa theo đột biến gene sẽ tiếp tục được nghiên cứu để ứng dụng điều trị các loại ung thư khác.

Từ nhập khoai tây đến xuất khẩu công nghệ giống

Một thành công khác của chương trình KC.04 là công nghệ mới sản xuất củ giống khoai tây. “Nếu không tạo được hệ thống nhân giống khoai tây sạch bệnh thì không nhắm mắt được” - GS-TS Nguyễn Quang Thạch - Viện Sinh học nông nghiệp, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây chế biến bắt nguồn từ công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh” - tâm sự. Sau hàng chục năm nghiên cứu và 4 năm thực hiện đề tài, ông đã hoàn thành nguyện vọng này.

“Khoai tây là cây trồng lý tưởng cho vụ đông của Đồng bằng sông Hồng. Với công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp phương pháp khí canh, chúng tôi đã cho ra đời củ giống bình thường với giá từ 8.000-9.000 đồng/kg, củ giống nguyên chủng giá 12.000-13.000 đồng/củ, so với củ giống nguyên chủng nhập khẩu giá vài trăm nghìn đồng một củ” - GS-TS Thạch cho biết. Về sản lượng, mỗi cây khoai tây cho từ 70-700 củ tùy theo giống. Ngoài việc chuyển giao cho 6 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ và Hưng Yên, công nghệ này đã được xuất khẩu sang Indonesia.

“Công nghệ giống khoai tây đã được chuyển giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ Indonesia với giá vài chục nghìn đôla Mỹ. Trong thời gian tới, việc chuyển giao công nghệ ra nước ngoài sẽ phải có giá trị tương xứng với hiệu quả mà nó đem lại” - GS Thạch nhấn mạnh. Theo ông, nếu tiếp tục được đầu tư triển khai, công nghệ nhân giống và nuôi trồng khoai tây sẽ được nhân ra toàn miền Bắc. Viện Công nghệ sinh học đặt kỳ vọng sẽ đáp ứng 30% nhu cầu về giống cây này của miền Bắc sau 2 năm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá: “Nhìn vào danh sách các quốc gia có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới như Singapore hay Thụy Sỹ... sẽ thấy họ đầu tư cho công nghệ sinh học rất lớn. Việt Nam cũng coi đây là vấn đề của thời đại, cần có sự đầu tư lớn”.

Thứ trưởng cho rằng, với tổng kinh phí không quá lớn (130 tỷ đồng cho 36 đề tài, dự án), chương trình đã đạt những thành tích đáng khen ngợi. Dù chương trình KC.04 sẽ tạm dừng trong giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định sẽ cùng với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét các đề xuất và tìm ra hướng đi phù hợp trong giai đoạn tới.