Những năm gần đây, TFP được các nhà quản lý coi là cơ sở định lượng đánh giá đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GDP, nhưng trong TFP của Việt Nam có bao nhiêu phần trăm từ đóng góp của KH&CN.


Vừa qua, Viện Năng suất Việt Nam tổ chức hội thảo Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó tập trung cho chủ đề TFP, nhưng đáng tiếc là vẫn chưa giúp giải đáp câu hỏi quan trọng này.

Trên thực tế, TFP gồm đóng góp của tất cả các yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ngoại trừ hai yếu tố về số lượng vốn và số lượng lao động. Mặc dù nhắc đến TFP người ta thường nhắc ngay tới yếu tố KH&CN, bởi tác động của công nghệ giúp cải thiện năng suất sản xuất là điều dễ hiểu, dễ minh hoạ. Nhưng vẫn còn những yếu tố quan trọng khác cũng phải kể đến trong TFP, như tăng cường chất lượng giáo dục có thể giúp tăng chất lượng lao động, cải thiện cơ cấu các ngành kinh tế giúp tăng hiệu quả đầu tư, cải cách hành chính và tăng chất lượng kết cấu hạ tầng giúp hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, v.v. Thậm chí, những yếu tố khó định lượng như quá trình cải thiện văn hóa doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp, cần cù của người lao động, tinh thần đoàn kết của các tập thể, cộng đồng cũng có thể có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong nhiều trường hợp, việc mặc nhiên giả định rằng TFP chính là phần đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế và bỏ qua những đóng góp ngoài KH&CN kể trên sẽ dẫn tới những đánh giá, nhận định hoàn toàn sai lệch. Đơn cử như nếu nhìn vào Báo cáo năng suất Việt Nam 2014, chúng ta thấy rằng đóng góp trung bình của TFP vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2006-2010 là -5,8%, thậm chí có năm đóng góp TFP xuống tới -18,8%. Sẽ là phi lý nếu cho rằng TFP của những năm này chính là đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GDP, bởi như thế dẫn tới kết luận rằng KH&CN giai đoạn 2006-2010 không hề có đóng góp gì, thậm chí còn kéo lùi tăng trưởng kinh tế! Đây là ví dụ cho thấy, trong những giai đoạn và điều kiện nhất định, TFP không phản ánh đóng góp của KH&CN, mà chủ yếu là sự phản ánh ảnh hưởng của những yếu tố khác. Với giai đoạn 2006-2010 thì yếu tố đáng nhắc hơn cả trong TFP chính là cơ cấu kinh tế bất hợp lý – một nền kinh tế đầu tư thái quá cho những ngành thiếu hiệu quả như công nghiệp đóng tàu, hay các ngành mang tính đầu cơ như bất động sản.

Vậy trong điều kiện nào người ta có thể coi đóng góp của TFP là phần đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GDP? Đó là khi các yếu tố phi KH&CN không có gì thay đổi, hoặc có thay đổi nhưng không ảnh hưởng đáng kể tới GDP. Muốn chứng minh điều này người ta sẽ phải thu thập đủ các số liệu và tiến hành các bước phân tích thống kê hồi quy cần thiết. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi các yếu tố về cải cách thể chế, tái cơ cấu các ngành kinh tế, hội nhập thương mại quốc tế, v.v. vẫn đang có nhiều biến thiên và tiếp tục gây tác động quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, thì rất khó tin rằng giả định nêu trên là hợp lý.

Do đó, khi xác định giá trị đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GDP dựa trên chỉ số TFP, chúng ta sẽ không thể không tính đến phần đóng góp của các yếu tố phi KH&CN, mà phải tách được phần đóng góp của các yếu tố này ra khỏi TFP. Đây là thách thức không nhỏ cho công tác thống kê và phân tích. Đáng tiếc là cho đến nay, các báo cáo như Báo cáo Năng suất Việt Nam, hay các cuộc trao đổi công khai như tại hội thảo xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa đưa ra được những phân tích như vậy.

Như vậy, để đánh giá đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế, chúng ta không thể dựa vào số liệu về phần đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP theo cách công bố như hiện nay tại Báo cáo Năng suất Việt Nam 2014. Những số liệu ấy không cho biết đóng góp của KH&CN là tương đương, hay cao hơn, hay thấp hơn đóng góp của TFP. Và nếu trong tương lai có lúc nào đóng góp của TFP vào tăng GDP trở thành giá trị âm như cách đây vài năm, nhưng công chúng lại mặc định rằng giá trị âm đó cũng chính là đóng góp của KH&CN, thì rõ ràng ngành KH&CN sẽ chịu tiếng oan không đáng có!