Cuộc thi tập trung vào các giải pháp Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế có thể triển khai tại 4 địa phương: Đà Nẵng, Rạch Giá, Phú Yên và Phú Quốc.

300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, gần bằng trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Ảnh: thiennhien.net

Ngày 15/4, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF đã phát động cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa nhằm tìm kiếm các mô hình, ý tưởng hướng đến thay đổi hành vi sử dụng và thải loại rác nhựa cũng như tăng tỉ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa.

Cuộc thi tập trung vào hai mục tiêu chính: giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế) thực hiện tại 3 tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Rạch Giá và Phú Yên; và tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường tại huyện đảo Phú Quốc.

Các cá nhân/nhóm/tổ chức hay doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc đều có thể tham gia cuộc thi. Sau khi vượt qua vòng sơ loại, 12 đội thi được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ có hai tuần làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ươm mầm, tăng tốc và quản lý doanh nghiệp để hoàn thiện các đề xuất trước khi trình bày ý tưởng.

Vòng thuyết trình chung kết dự kiến diễn ra trong tháng 8/2020 tại Phú Quốc.

Giải thưởng 400 triệu đồng được chia đều cho bốn đội thắng cuộc để mỗi đội có thể triển khai ý tưởng tại địa bàn đã chọn. Ngoài ra, mỗi đội thắng cuộc còn nhận được cố vấn kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn trong vòng một năm cùng nhiều quyền lợi khác.

Xem thêm thông tin về cuộc thi tại đây. Thời gian đăng ký từ nay đến hết ngày 15/6/2020.

WWF đang triển khai nhiều dự án giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, trong đó có:

1) “Phú Quốc - Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa” được thực hiện tại huyện huyện đảo Phú Quốc trong giai đoạn 2018-2020

2) “Đô thị giảm nhựa – Plastic Smart Cities” triển khai tại Phú Yên, Đà Nẵng và Rạch Giá trong giai đoạn 2019 – 2021

3) Dự án “Giảm thiểu rác nhựa đại dương” triển khai trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2020-2023

Đây là một trong những nỗ lực của WWF nhằm góp phần đạt được mục tiêu toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.