Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra đầu tuần này ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca mắc Covid-19 đã tăng hơn 5 lần so với số liệu của 3 tháng trước. Trong khi đó, chưa xuất hiện một vaccine sáng giá nào, và có thể cả trong tương lai cũng vậy.

Theo Reuters, hiện số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là hơn 18,14 triệu người với 688.080 người đã tử vong.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh:reuters.com

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, “có những lo ngại rằng chúng ta sẽ không có một loại vaccine nào sử dụng được, hoặc khả năng bảo vệ của nó chỉ kéo dài trong vài tháng mà không thể lâu hơn. Tuy nhiên, cho đến khi thử nghiệm lâm sàng kết thúc, chúng ta sẽ không thể biết được”.

Bởi vậy, theo ông Tedros, trong thời điểm hiện tại, "việc ngăn chặn bùng phát dịch sẽ dựa trên những nền tảng cơ bản về y tế công cộng và kiểm soát dịch bệnh".

Ông kêu gọi các quốc gia cần thực thi nghiêm ngặt các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay, xét nghiệm, cách ly và điều trị người nhiễm bệnh cũng như truy dấu và cách ly những người có liên quan. Ông cũng cho rằng, khẩu trang nên trở thành một biểu tượng đoàn kết trên toàn thế giới.

“Thông điệp gửi đến người dân và các chính phủ rất rõ ràng: hãy làm tất cả mọi thứ”, ông nói, “và khi dịch nằm trong tầm kiểm soát, hãy vẫn tiếp tục thực hiện”.

Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết

Ông Mike Ryan - người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO - đề xuất, các quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao như Brazil và Ấn Độ cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn và thay đổi cách thức ứng phó với dịch bệnh của mình.

Ông cũng cho biết, việc điều tra xác định nguồn gốc của virus ở Trung Quốc bởi các nhóm quốc tế vẫn đang được tiến hành với bước tiếp theo là nghiên cứu tại Vũ Hán. Theo ông Ryan, các chuyên gia Trung Quốc đã cung cấp một số thông tin, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 31/7, Ủy ban Khẩn cấp của WHO vẫn nhất trí duy trì mức cảnh báo Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của WHO - đối với dịch Covid-19.

Tại đây, ông Tedros nhận định, Covid-19 "là cuộc khủng hoảng y tế có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ được cảm nhận trong thập kỷ tới”.

“Nhiều quốc gia tin rằng mình đã trải qua được giai đoạn tồi tệ nhất rồi thì hiện nay lại đang phải vật lộn với những đợt bùng phát dịch mới. Một số nước khác ít bị ảnh hưởng hơn trong những tuần đầu tiên bây giờ cũng đang chứng kiến sự leo thang của số ca mắc bệnh và số ca tử vong. Và cũng có một số nước từng trải qua những đợt bùng phát dịch lớn thì hiện đã kiểm soát được," ông cho biết.

Ủy ban khuyến nghị WHO tiếp tục huy động các tổ chức và đối tác đa phương ở khu vực và toàn cầu trong việc ứng phó với Covid-19, cũng như hỗ trợ các quốc gia thành viên duy trì các dịch vụ y tế. Cùng với đó, cần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và tiếp cận các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vaccine thông qua những hoạt động như tài trợ.

Nguồn:

‘No silver bullet’ to combat COVID-19, says UN health agency head