Sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, VKIST bước vào giai đoạn đẩy mạnh nghiên cứu để cung cấp giải pháp công nghệ cho thị trường.

Bắt nguồn từ thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước vào năm 2013, ý tưởng về Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc VKIST, một viện nghiên cứu hợp đồng để cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, đã trở thành hiện thực vào năm 2017. VKIST có mô hình tương tự Viện KH&CN Hàn Quốc KIST - một trong 10 cơ sở ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu trong lễ kỷ niệm. Ảnh: TA
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu trong lễ kỷ niệm. Ảnh: TA

"Đây là một trong những dự án trọng điểm mà Hàn Quốc đã hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ở Việt Nam," Thứ trưởng Bộ KH&CN, Viện trưởng VKIST Bùi Thế Duy phát biểu tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập VKIST hôm 20/5. "Sự kiện hôm nay càng có ý nghĩa hơn bởi năm nay cũng là thời điểm chúng ta kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc."

Theo lộ trình, 5 năm vừa qua là giai đoạn xây dựng cơ sở nghiên cứu nền tảng cho VKIST, được triển khai dưới hình thức vốn ODA không hoàn lại, với ngân sách 70 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn ODA từ phía Hàn Quốc là 35 triệu USD; và 35 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, bao gồm quyền sử dụng đất, hạ tầng và nguồn chi thường xuyên trong những năm đầu xây dựng.

Việc xây dựng một mô hình kiểu mới như VKIST không hề dễ dàng, “nhìn lại 5 năm vừa qua, quả thật có những thời khắc vô cùng khó khăn,” ông Cho Han Deog, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, nhận xét. Ngoài những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, đại dịch COVID-19 trong hai năm vừa qua cũng là thách thức lớn trong quá trình triển khai Dự án.

Dù vậy, nhờ nỗ lực của các bên, VKIST đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. “VKIST khởi đầu vỏn vẹn chưa đầy 10 người, qua 5 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã có hơn 70 thành viên, trong đó có nhiều nghiên cứu viên giỏi, có 4 phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ tích hợp, với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với quốc tế”, PGS.TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST, nói.

Từ nền tảng đã được trang bị, các nhà khoa học ở VKIST đã hợp tác với các viện/trường trong nước, cũng như Viện KIST của Hàn Quốc, để nghiên cứu các thành phần hoạt chất trong một số loại dược liệu như cây đinh lăng, hy thiêm (cây chó đẻ hoa vàng) và quả gấc. Bằng các phương pháp phân tích hiện đại, họ đã tìm ra những hoạt chất có tác dụng tăng lực trong đinh lăng, chống viêm khớp trong cây hy thiêm, và các chất chống oxy hóa trong quả gấc. Các kết quả này đã được ứng dụng và chuyển giao cho một số doanh nghiệp như Traphaco, Công ty CP Dược liệu TW 28. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu về động cơ điện, robot tự hành, công nghệ nhận diện khuôn mặt,... đang được thử nghiệm trong thực tế.

Dù nhận được đánh giá tích cực, PGS.TS Phương Thiện Thương cho rằng “những kết quả VKIST đạt được vẫn còn khiêm tốn”. Bởi lẽ, “giai đoạn vừa qua chủ yếu là xây dựng cơ sở vật chất, việc nghiên cứu chỉ mới bắt đầu thôi. 5 năm tiếp theo là giai đoạn 2, VKIST sẽ đẩy mạnh nghiên cứu để tạo lập uy tín về KH&CN, cung cấp giải pháp công nghệ ứng dụng tại Việt Nam”, PGS.TS Thương nói.

Dự kiến, giai đoạn 2 vẫn được triển khai theo hình thức dự án ODA không hoàn lại, thời hạn triển khai từ năm 2022 đến năm 2026, với ngân sách dự kiến 45 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn ODA từ phía Hàn Quốc là 30 triệu USD và 15 triệu USD từ phía Việt Nam.

Trong khuôn khổ buổi lễ cũng diễn ra hoạt động ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển giữa VKIST với Công ty CP Dược liệu TW 28 và Công ty CP Hyundai Aluminum Vina nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ sinh học. Ngoài hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các bên sẽ cùng đào tạo nâng cao năng lực, chia sẻ cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu,...