Kết thúc nhiệm kỳ 4 năm trên cương vị Viện trưởng đầu tiên của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), có lẽ điều TS Kum Dongwha tự hào nhất là hiện VKIST đã hoàn tất những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, xác định được một số hướng nghiên cứu trọng tâm để khởi đầu cho một giai đoạn mới.

j
TS Kum Dongwha chia sẻ tại kỳ họp hội đồng lần thứ 5 của Viện.Ông tốt nghiệp ngành kỹ thuật luyện kim tại trường đại học Seoul và tiến sỹ Khoa học vật liệu đại học Stanford, Mỹ. Ông giữ vị trí viện trưởng Viện KIST từ tháng 4/2006 đến tháng 8/2008. Ảnh: Hoàng Nam

“Hiện tại, công việc xây dựng hạ tầng cơ sở của Viện VKIST đã hoàn thành về cơ bản. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số hợp phần mua sắm ở Hàn Quốc chuyển về Việt Nam đang bị giữ lại tại cảng Hải Phòng nên chúng tôi chưa thể lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cho phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, với mục tiêu là sẽ hoàn thành dự án ODA vào tháng 12/2021, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn tất việc lắp đặt phòng thí nghiệm và hoàn thành thi công những hợp phần phụ”, TS Kum Dongwha chia sẻ mở đầu tại kỳ họp hội đồng lần thứ 5 của Viện VKIST diễn ra vào sáng 30/9 vừa qua.

Cũng theo ông, trong năm vừa rồi, VKIST đã thành lập được bốn phòng nghiên cứu trong bốn lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, tuy nhiên vì vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị nên công việc được thực hiện trong các cơ sở mà Viện hợp tác. Cụ thể, Phòng Công nghệ sinh học đã tiến hành hoạt động thí nghiệm tại ĐH Phenikaa, Phòng Công nghệ thông tin hợp tác với Viện NACENTECH, Phòng Công nghệ tích hợp thì sử dụng phòng lab tại ĐH Bách khoa, riêng Phòng Điện tử vẫn hoạt động chủ yếu tại trụ sở VKIST.

Đây là điều mà ông đã dự liệu từ trước ngay từ những năm đầu tiên thành lập, rằng VKIST có thể đưa các nghiên cứu đầu tiên của Viện tới một số viện của Việt Nam hoặc Hàn Quốc, việc này đồng thời cũng sẽ giúp “xây dựng được mạng lưới hợp tác bên trong và bên ngoài [Việt Nam]”. Nhờ đó, trong năm 2020 vừa qua, các nhà khoa học thuộc VKIST vẫn tiến hành được các đề tài cấp Bộ, các đề tài hợp tác nghiên cứu chung với Viện KIST tại Hàn Quốc.

Đặc biệt, một trong những kết quả thông qua hợp tác với KIST là “motor đồng bộ nam châm vĩnh cửu lần đầu tiên được phát triển và sản xuất tại Việt Nam với công suất lên đến 95%”, TS Kum cho hay. Bên cạnh đó, một sản phẩm hợp tác với KIST khác là sản phẩm dược liệu với phát hiện vô cùng mới từ quả gấc của Việt Nam, loại quả có những thành phần hợp chất quý như carotene và lycopene

Viện VKIST đã xác định, việc đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học với hướng đi rõ ràng là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao giá trị thảo dược Việt Nam – những công nghệ có thể áp dụng được ngay vào thực tế sản xuất tại Việt Nam - sẽ là hướng đi lâu dài của VKIST, và nghiên cứu về quả gấc chính là bước mở đầu cho giai đoạn tới.

Thách thức về nhân lực trong giai đoạn tới

Chủ trì kỳ họp hội đồng lần này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết những thành công bước đầu của Viện VKIST sau 4 năm thành lập là minh chứng cho thấy tính đúng đắn và khả thi của mô hình hợp tác. Bộ trưởng cho rằng trong giai đoạn 2021-2025, Viện VKIST nên tiếp tục tập trung nghiên cứu các lĩnh vực tiên tiến hiện là thế mạnh cũng như là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm tốt điều đó, VKIST cần có sự đầu tư từ hai bên - Hàn Quốc và Việt Nam - cũng như có được nguồn nhân lực chất lượng cao. “Cơ chế tài chính linh hoạt để thu hút và giữ chân các nhà khoa học là điều mà tôi đã quan tâm và trao đổi từ trước với TS Kum Dongwha. Trước mắt, sẽ có nhiều thử thách mà VKIST cần vượt qua, việc đầu tư là điều cần thiết, nhưng phải hợp lý và đúng trọng điểm”, Bộ trưởng nhận xét.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực là thách thức lớn bởi cho đến hiện tại, VKIST đang có 63 người - trong đó có 36 nhà nghiên cứu. Mục tiêu của VKIST đến tháng 12 năm nay sẽ tăng lên thành 100 người - trong đó có 52 nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Hữu Đức (Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy Ban Quốc gia Đổi mới GD&ĐT, thành viên hội đồng VKIST), để làm được điều đó, VKIST phải có cơ chế lương hợp lý để cạnh tranh với đơn vị ngoài, giữ chân người tài.

Đó cũng là điều mà GS.TS Lê Huy Hàm (Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, thành viên hội đồng VKIST) luôn trăn trở: “Chúng tôi cũng đã hỗ trợ VKIST rất nhiều về tuyển dụng. Tôi gửi thông tin tuyển dụng cho tất cả những ai mà tôi quen biết, nhưng kết quả lại không khả quan. Tôi mong rằng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ KH&CN có thể phối hợp hỗ trợ để cơ chế tài chính và cơ chế làm việc được ổn định hơn. Chỉ như thế thì VKIST mới có thể lớn lên, phát triển.”

Theo báo cáo của TS Phương Thiện Thương (Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Viện VKIST), mục tiêu chung của Viện trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là “hoàn thiện tổ chức và tạo dựng được môi trường thân thiện với nghiên cứu khoa học, tiếp tục tiến hành nghiên cứu và bước đầu tạo dựng được uy tín với doanh nghiệp…”. Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể của Viện là thiết lập thêm 4 phòng thí nghiệm ở 4 lĩnh vực ưu tiên, gồm công nghệ thực phẩm, vật liệu tiên tiến, công nghệ môi trường, kỹ thuật y sinh; tạo ra 10 sản phẩm sở hữu trí tuệ (bao gồm sáng chế và giải pháp hữu ích); tạo ra 1 sản phẩm với giá trị gia tăng cao thay thế sản phẩm nhập khẩu hoặc tạo ra một sản phẩm quốc gia; chuyển giao được 5 kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Sau 4 năm hoạt động, ngoài công việc xây dựng cơ sở hạ tầng, VKIST đã bắt đầu thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu mà Viện trưởng Kum Dongwha đã đề cập trước đó - đây sẽ là tiền đề để VKIST thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu tiếp theo. Ngoài ra, các nhà khoa học trong VKIST có tham gia một số đề tài nhưng chủ yếu vẫn mang tính khảo sát thị trường. Những thông tin xác thực về thị trường sẽ là cơ sở quan trọng để VKIST đưa ra được những nghiên cứu cụ thể phù hợp.