Dự án liên ngành này được kỳ vọng sẽ số hóa dữ liệu lịch sử gốc được lưu trữ tại châu Âu và Việt Nam, tư liệu văn bia ở Việt Nam nhằm tạo xây dựng một kho cơ sở dữ liệu chung cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng.

Được khởi động vào ngày 4/11 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam (Vietnamica) do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu tài trợ, được các nhà khoa học hai bên đánh giá là một trong những hoạt động hợp tác học thuật tiêu biểu Việt - Pháp với sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học hàng đầu của hai nước.

Đơn vị chủ quản của Dự án là Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp. Các đơn vị phối hợp cùng tổ chức và thực hiện là Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thông qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đơn vị quản lý về mặt tài chính là Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

GS. Philippe Papin, giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp, người khởi xướng nghiên cứu này là nhà nghiên cứu uy tín, từng nghiên cứu tại Viện Viễn đông bác cổ (EFEO) và đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, người tham gia ban điều hành của Dự án trân trọng cảm ơn GS. Philippe Papin đã xây dựng dự án hết sức có ý nghĩa với nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam: “Là một nhà nghiên cứu Việt Nam học nổi tiếng có nhiều đóng góp nhiều cho nghiên cứu Việt Nam học, GS. Philippe Papin đã tạo lập được nhiều quan hệ và những hoạt động mang tính nhóm trong cộng đồng nghiên cứu Việt Nam học, hướng tới những dự án lớn và có chiều sâu học thuật”.

GS. Philippe Papin - Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp, người khởi xướng Dự án.

Sẽ được thực hiện trong 5 năm, (2019 – 2024), Vietnamica nghiên cứu lịch sử cung tiến Việt Nam qua văn bia, số hóa tư liệu KHXH Việt Nam lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam; tham gia đào tạo học viên cao học và nghiên cứu sinh Tiến sỹ; thiết lập thư viện điện tử, dịch thuật-xuất bản các chuyên khảo và nghiên cứu tổng hợp về lịch sử cung tiến Việt Nam.

Trong đó đáng chú ý là dự án sẽ tập trung khai thác nguồn tư liệu Bia Hậu - tồn tại liên tục trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 20, hàm chứa nhiều thông tin quan trọng về lịch sử, xã hội, kinh tế và văn hoá Việt Nam nhưng còn chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Bia Hậu chiếm số lượng khoảng một nửa trong kho 7 vạn thác bản văn bia hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và là loại hình văn bia độc đáo và duy nhất, khác với bất kì nước nào khác ở châu Á.

Cụ thể, Vietnamica sẽ tập trung vào các khía cạnh chính:

Về sử học: Nghiên cứu về phương diện kinh tế và tôn giáo ở các vùng nông thôn Việt Nam qua các thông tin thu thập được từ bia hậu. Chủ đề: chu trình tài chính trong hoạt động cung tiến; giá trị tiền tệ qua các thế kỷ; vai trò chủ đạo của phụ nữ; vai trò của quan lại ở làng xã và tầng lớp tu sĩ; Phật giáo dân gian trong thực tiễn đời sống ở các làng xã Việt Nam.

Về dữ liệu văn bia Hán Nôm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tư liệu thác bản và nếu có thể sẽ bổ sung bộ sưu tập văn khắc, tiếp nối bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm đã được khởi soạn từ hơn mười năm trước. Tạo một bộ công cụ tin học ứng dụng vào việc tìm kiếm dữ liệu nghiên cứu (theo niên đại, địa danh, từ khóa…).

Về ngôn ngữ học: Nghiên cứu sự xuất hiện của âm tiếng Việt (chữ Nôm và ngữ pháp tiếng Việt) thông qua các dữ liệu thu thập được từ văn bia (ví dụ địa danh) và được ghi lại theo ngữ pháp tiếng Việt thuần túy, nghiên cứu ngữ âm học của tiếng Việt cổ qua việc khai thác kho tư liệu lưu trữ ở Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP).

Về bản đồ: Thiết lập một bản đồ điện tử để nghiên cứu sự phân bố văn bia. Chủ đề: lập một kho dữ liệu bản đồ số hóa, nghiên cứu những sự thay đổi về địa danh trong lịch sử, khảo cứu và thống kê những bản đồ xưa ở cấp độ địa phương (nguồn tư liệu này được lưu trữ ở Thư viện châu Á, Paris).

Tư liệu và nhân văn số: Cung cấp cho các nhà nghiên cứu một thư mục sách xưa về Việt Nam, chủ yếu bằng tiếng Pháp. Chủ đề: Tạo một thư viện điện tử bao gồm các tệp tài liệu định dạng pdf, epub… kèm theo các danh mục sách và mục lục bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cơ sở dữ liệu này sẽ dành cho các nghiên cứu chuyên ngành. Tận dụng kỹ thuật công nghệ và các phương pháp điện toán, nhân văn kỹ thuật số nhằm xử lý tự động nôi dung văn khắc. Chủ đề: Tự động nhận diện các cột và nhận diện mặt chữ, tự động tìm kiếm một cách hệ thống tất cả những lần xuất hiện các đánh dấu/ký tự đặc biệt.

Trong Lễ khởi động Dự án, đại diện các bên cũngKhai trương Văn phòng hợp tác ĐHQGHN và Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp nhằm tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Dự án.

Chủ tịch Viện Khảo cứu Cao cấp - ông Jean-Michel Vernider đánh giá “đây là dự án hết sức quan trọng trong chính sách phát triển hợp tác quốc tế của Viện và sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nguồn tư liệu không lồ cho các nhà nghiên cứu”. Đơn cử, chỉ riêng tư liệu nghiên cứu về Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990 cho đến nay của Viện Khảo cứu cao cấp đã lên tới khoảng 6.000 tài liệu.

Những kết quả nghiên cứu này sẽ không “nằm ngăn kéo” mà sẽ được lan tỏa tới các viện, trường đại học ở cả hai nước để các nhà nghiên cứu khai thác, sử dụng. “Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá các kết quả, thành tựu nghiên cứu để những giá trị khoa học có thể được lan toả trước hết trong cộng đồng AUF với khoảng gần 1.000 trường đại học, viện nghiên cứu thành viên”, ông Jean-Paul Gaudemar, Tổng Giám đốc AUF nói.