Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Nhật Bản hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước.

Đây là khẳng định của đại diện của các cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản tại buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm truyền thông KH&CN giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản diễn ra mới đây tại Nhật Bản.

Đưa KH&CN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa

Với một nước có nền KH&CN phát triển mạnh như Nhật Bản cũng có những thời điểm người dân không mặn mà lĩnh vực này. Tuy nhiên, vào những năm 1990, Nhật Bản đã đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của người dân và đã thu hút được sự chú ý đầu tư vào khoa học. Thậm chí Nhật Bản còn đặt ra mục tiêu đưa KH&CN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa. Chính phủ Nhật Bản tài trợ rất lớn cho những khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học.

Hoạt động này cũng được các đơn vị quản lý KH&CN của Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh thông qua việc xây dựng, chăm sóc mối quan hệ giữa nhà báo với nhà khoa học tương đối tốt, tạo sự gần gũi, thoải mái. Đây cũng là lợi thế để thông tin KH&CN được chia sẻ và chuyển tải nhanh chóng, không qua các cầu nối hoặc khâu trung gian.

Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến Nhật Bản (Miraikan)
Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến Nhật Bản (Miraikan)

Theo báo cáo của Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST), hoạt động KH&CN dựa trên 3 trụ cột chính bao gồm: xây dựng chiến lược R&D để thúc đẩy sáng tạo; kiến tạo kiến thức và tạo ra giá trị cho nền kinh tế và xã hội; thúc đẩy sự đồng thuận với các bên liên quan và thúc đẩy nguồn nhân lực sáng tạo tương lai. Nhật Bản coi truyền thông KH&CN là trụ cột chính trong thực hiện kế hoạch phát triển KH&CN lần thứ 5 ( giai đoạn 2015 – 2020).

Do vậy Chính phủ Nhật Bản đã rất quan tâm đầu tư cho hoạt động này. Một tháng một lần, JST đều tổ chức họp báo để giới thiệu những vấn đề KH&CN nổi cộm nhất trong thời gian đó với phóng viên, mời các nhà khoa học giới thiệu về những thành tích của họ, dành thời gian để phóng viên và nhà khoa học có thể trao đổi, thảo luận…

Thông qua Trung tâm truyền thông Khoa học Nhật Bản (CSC) trực thuộc JST, từ năm 2006 cơ quan này đều tổ chức Tuần lễ khoa học SCIENCE AGORA. Năm 2017, SCIENCE AGORA được tổ chức tại Tokyo, Sendai, Kobe và Fukuoka đã thu hút sự chú ý của hơn 6000 người, với mục tiêu mỗi hành động của mỗi người tại mỗi địa phương sẽ chia sẻ tầm nhìn của SCIENCE.

Mô hình trung tâm truyền thông cũng là mô hình hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này tại Nhật Bản. Trung tâm truyền thông khoa học Nhật Bản (SMC) được thành lập với vai trò là cầu nối giữa nhà khoa học với nhà báo thông qua các chương trình nghị sự đươc tổ chức khi có các sự kiện, phát triển mối liên kết giữa cộng đồng khoa học và xã hội. Mặc dù được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và cấp kinh phí như một dự án nghiên cứu để hoạt động nhưng SMC lại không phải phụ thuộc vào định hướng phát ngôn của chính phủ.


Một hình thức truyền thông khác Nhật Bản đang thực hiện là hình thành hệ thống gồm hàng trăm viện bảo tàng khoa học trên khắp cả nước, Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến (Miraikan). Đây là nơi mô hình hoá những hiện tượng khoa học tự nhiên, tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu những thành tựu KH&CN, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhà khoa học với công chúng; phối hợp với các trường đại học để xây dựng những chương trình giúp nâng cao kiến thức về khoa học cho sinh viên; xây dựng mạng lưới gồm các nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, khách tham quan, trường học, các viện bảo tàng khoa học khác…

Những sự vật, hiện tượng tự nhiên, đều được thể hiện bằng hình ảnh, mô hình trực quan, sinh động, thậm chí cả những sản phẩm công nghệ đã và đang được sử dụng trong thực tế… như các mô hình về hiện tượng động đất, sóng thần, rô bốt cứu hộ... khiến Miraikan không chỉ là địa chỉ thú vị để tham quan mà còn là nơi học sinh, sinh viên có điều kiện thực hành những kiến thức được học trong nhà trường. Hiện tại, hệ thống các bảo tàng khoa học có liên kết với Miraikan khá phong phú.

Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN

Làm việc với các cơ quan tại Nhật Bản, Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN cho biết, tại Việt Nam để thúc đẩy nền khoa học công nghệ nước nhà, vai trò của truyền thông KH&CN được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để gắn kết cộng đồng và giới nghiên cứu. Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN trong cả nước hiện nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KH&CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.

“Vai trò của truyền thông KH&CN ở Việt Nam đang ngày càng được đặt đặt đúng vị trí hơn khi mà Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu để phát triển KH&CN Việt Nam”, ông Trần Quang Tuấn nhấn mạnh.

Tre em Nhật trải nghiệm khoa học tại Bảo tàng.
Trẻ em Nhật trải nghiệm khoa học tại Bảo tàng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quang Tuấn, hoạt động truyền thông KH&CN đang trong giai đoạn phát triển, do vậy rất cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước có nền KH&CN phát triển như Nhật Bản. Đây là cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm truyền thông KH&CN tại Việt Nam. Đồng thời ông Trần Quang Tuấn cũng bày tỏ mong muốn trao đổi kinh nghiệm truyền thông KH&CN, thúc đẩy hiệu quả công tác truyền thông trong lĩnh vực này. Qua đó tiến tới phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế về lĩnh vực truyền thông KH&CN; trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông KH&CN; đào tạo cán bộ truyền thông KH&CN góp phần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông KH&CN tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại các đơn vị mà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN làm việc đều khẳng định sự sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Nhật Bản hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước.

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể hình thành được đội ngũ nhân lực mạnh trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN nói chung và truyền thông KH&CN nói riêng trong thời gian tới.