Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020, theo đó, Việt Nam đứng thứ 86 về Chính phủ điện tử trong số 193 quốc gia thành viên, tăng 2 bậc so với năm 2018.

Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn từ năm 2014 (vị trí 99) đến nay.

Về giá trị, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0.6667 điểm, thuộc vào nhóm các nước có EGDI ở mức cao.

Chỉ số Chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần - Hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index), Nguồn nhân lực (Human Capital Index), Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index); và gồm 4 mức - Rất cao: >0.75; Cao: từ 0.5 - 0.75; Trung bình: từ 0.25 - 0.5; Thấp: <0.25).

So sánh các chỉ số thành phần với lần xếp hạng trước đó vào năm 2018, tăng mạnh nhất là Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh, từ thứ 100 lên 69; Chỉ số Nguồn nhân lực tăng 3 bậc từ thứ 120 lên 117; trong khi đó Chỉ số Dịch vụ trực tuyến bị giảm 22 bậc, từ thứ 59 xuống 81.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 như năm 2018. 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Philippines.

Đáng chú ý là sự thăng hạng mạnh của một số nước như Campuchia từ vị trí 145 lên vị trí 124; Indonesia từ vị trí 107 lên vị trí 88; Thái Lan từ 73 lên vị trí 57; Myanmar từ vị trí 157 lên vị trí 146.

Ngoài việc đánh giá, xếp hạng các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Báo cáo của Liên Hiệp Quốc còn phân tích những xu thế phát triển mới như: dữ liệu là trung tâm; quyết định dựa trên dữ liệu; mở dữ liệu; dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, tài sản chiến lược.

Báo cáo cũng phân tích cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ngay trong các hoàn cảnh khó khăn vẫn cung cấp các dịch vụ trực tuyến, duy trì sự lãnh đạo của chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế. Vai trò Chính phủ số sẽ được tiếp tục sau dịch bệnh, đáp ứng các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.

Thời gian qua, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (cho phép đăng ký hồ sơ trực tuyến, tra cứu trực tuyến, và nộp lệ phí tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc trực tuyến) được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn bộ quy trình dịch vụ được tiến hành trực tuyến) tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Nguồn:

Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông