Theo ông Nguyễn Hồng Thắng - PGĐ Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 ở châu Á và thứ 34 thế giới xét về tỷ lệ triển khai IPv6 (đường truyền Internet thế hệ mới).

Nhân Ngày IPv6 Việt Nam (6.5), mới đây tại Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức hội thảo với chủ đề “IPv6 và Internet of Things” dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, nhằm phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa IPv6 và ngành công nghiệp IoT (Internet Vạn vật), cũng như chia sẻ giữa các doanh nghiệp, tổ chức về triển khai IPv6 với IoT.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - PGĐ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đưa ra số liệu thống kê từ Google cho thấy, hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20% và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%. Các chuyên gia cũng dự báo, đến năm 2020 thế giới sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị kết nối.

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định: những lợi ích to lớn mà IoT mang lại cho sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong những năm tiếp theo. Với việc chúng ta thúc đẩy, phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, Internet, nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giao thông thông minh thì chắc chắn nhu cầu kết nối hàng tỉ thiết bị là tất yếu, khiến nhu cầu thúc đẩy IPv6 ngày càng cấp thiết.

Cụ thể, với không gian địa chỉ rộng lớn mà IPv6 có thể cung cấp, mỗi công dân trên trái đất này có thể nhận được tới 4.000 địa chỉ, cùng với khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn đem lại lợi thế tất yếu cho IPv6 trong quá trình sử dụng và phát triển IoT.

Tuy nhiên, việc ứng dụng, sử dụng IPv6 tại nước ta hiện nay còn thấp. Giải thích cho điều này, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết nếu tính theo thang điểm 10 cho việc phát triển và sử dụng IPv6, Việt Nam hiện chỉ đạt 3,5/10 điểm nhưng Việt Nam hiện vẫn nằm trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6. Thực tế này giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 ở châu Á và thứ 34 thế giới xét về tỷ lệ triển khai IPv6.

Được biết, IPv6 có rất nhiều ưu điểm vượt trội như giúp cung cấp số lượng địa chỉ IP lớn hơn, tự động cấp địa chỉ cho các thiết bị, định tuyến nhanh hơn, bảo mật tốt hơn, mang tới chất lượng dịch vụ tốt hơn, dễ dàng chuyển đổi…

Với những lợi thế mà IPv6 mang lại, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mạng cần nhìn nhận rõ hơn lợi ích của việc ứng dụng IPv6 qua đó có thể hỗ trợ phát triển ứng dụng IoT, tạo cơ hội kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước cũng phải nhận thức rõ được nhiệm vụ của mình trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho việc phát triển, thúc đẩy IPv6 và IoT.