Tập đoàn T&T sẽ thực hiện dự án thành phố công nghệ cao năng lượng di động châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam. Dự án có quy mô 1.000 hạ và được chia thành 3 giai đoạn, T&T Group sẽ phối hợp cùng tập đoàn Hanergy để triển khai dự án này.

Về đối tác của T&T Group, tạp chí công nghệ MIT Tech Review đánh giá Hanergy đứng ở vị trí 23 trong "50 Doanh nghiệp thông minh nhất thế giới" năm 2017. Trước đó, ngày 19/07/2018, tập đoàn T&T và Tập đoàn Hanergy đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

Những chi tiết cụ thể vềdự án thành phố công nghệ cao năng lượng di động châu Á – Thái Bình Dương do T&T làm chủ đầu tư chưa được tiết lộ. Nhưng tại hội thảo Dự án Thành phố Công nghệ cao Năng lượng Di động Châu Á – Thái Bình Dương (APMEC), phía T&T đã cho thấy những bước chuẩn bị cho dự án lớn này và đây sẽ là dự án ứng dụngcông nghệ cao năng lượng hiện đại thuộc loại tiên tiến, đồng bộ nhất tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng năng lượng sạch và đưa ra những nhận định, xu hướng xây dựng các thành phố thông minh trên thế giới, qua đó làm rõ vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đầu tư phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Các chuyên gia đã nhất trí quan điểm rằng hiện trên thế giới có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho tới nay, năng lượng mặt trời được xác định là nguồn năng lượng chủ lực trong tương lai. Tuy nhiên, trong những năm qua, cùng với sự thay đổi rất nhanh về công nghệ, công nghệ pin mặt trời truyền thống sẽ dần được thay thế bằng công nghệ pin mặt trời màng mỏng, do giá thành rẻ hơn, hiệu suất cao trong điều kiện thiếu sáng, lắp đặt dễ dàng và phong phú về chủng loại, màu sắc.

Về chủ trương phát triển các thành phố, đô thị công nghệ cao thông minh, bền vững của Chính phủ Việt Nam, các chuyên gia đánh giá cao đề án này và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, nhanh nhạy và "hợp thời", đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới như hiện nay, và Việt Nam chắc chắn không phải ngoại lệ.

"Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ có khả năng tạo ra giải pháp đột phá trong việc giải quyết bài toán đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay. Kéo theo đó sẽ là quản lý tốt công tác quy hoạch, cung cấp hiệu quả nhất các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đô thị, giảm thiểu tác động bất lợi tới môi trường và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại chính nơi mình sinh sống", một chuyên gia đến từ Nhật nhận định.