Sau tám năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết vào ngày 15/11 với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

“Tôi rất vui mừng rằng sau tám năm làm việc chăm chỉ, đến hôm nay, chúng ta đã chính thức kết thúc đàm phán hiệp định RCEP để đi đến ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong lễ ký kết trực tuyến, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký kết hiệp định RCEP. Nguồn: baochinhphu

Dựa trên các thỏa thuận thương mại tự do hiện có giữa các thành viên, Hiệp định RCEP sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối liên kết kinh tế trên toàn châu Á - Thái Bình Dương, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho dòng đầu tư nước ngoài và tăng cường bảo hộ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ.

Sau khi có hiệu lực, Hiệp định RCEP “sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc truyền dữ liệu,” ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết. Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 1/3 dân số trên thế giới, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Phát biểu trong hội nghị cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán hiệp định RCEP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày trước lễ ký kết, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã mô tả việc ký kết hiệp ước là một "bước tiến lớn của thế giới, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần vị thế và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại ”.

Nguồn: