Không chỉ có nguồn lực con người, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) đang được đầu tư về cơ sở vật chất để có đủ điều kiện bứt phá, tạo ra nhiều công nghệ mới đáp ứng như cầu xã hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết giai đoạn 2015 - 2019 và lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Viện.

Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Diễn ra vào ngày 10/10/2019, hội nghị là dịp để tập thể cán bộ, nhà nghiên cứu của Viện Ứng dụng Công nghệ (NACENTECH) nhìn lại chặng đường phát triển của mình. Theo hồi ức của TS. Trần Đình Anh, một trong những viện trưởng thời kỳ đầu, NACENTECH được thành lập ngày 16/10/1984 theo Nghị định 135/HĐBT với tên ban đầu là Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia, “trước thời kỳ đất nước mở cửa với mục tiêu nghiên cứu và hấp thụ các công nghệ hiện đại như công nghệ laser, dây dẫn quang, vi điện tử… nên được lãnh đạo Đảng và nhà nước tạo điều kiện có được cơ chế đặc biệt và đơn giản”. Nay nhìn lại, ông cho rằng, nhiệm vụ của Viện không phải là thực hiện các công trình nghiên cứu đi kèm với bài báo quốc tế mà là để làm ra các công nghệ cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp… Theo quan điểm của ông, công nghệ mà Viện làm ra cần gắn với một số yếu tố cơ bản như thương mại hóa, nhân lực, kinh phí – lợi nhuận.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và đoàn cán bộ NACENTECH làm việc tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải. Nguồn: chulaicomplex.vn

Quan điểm của TS. Trần Đình Anh cũng như một số lãnh đạo NACENTECH trong giai đoạn đầu đã được phát huy trong giai đoạn sau, khi đất nước đã bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập. Thế mạnh của Viện được xây dựng trên ba lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin – vi điện tử, công nghệ laser và công nghệ sinh học. Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2015 – 2019, Viện đã thực hiện được 15 nhiệm vụ KH&CN quốc gia, 3 đề tài cấp tỉnh, 60 đề tài cấp Bộ, qua đó có được nhiều sản phẩm tốt như thiết bị laser cắt vật liệu kim loại, hàn khắc, thiết bị vi điểm phẫu thuật fractional laser… cùng nhiều công nghệ khác. Hướng tới mục tiêu chuyển giao cho doanh nghiệp, Viện đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, ví dụ phối hợp với công ty cổ phần thiết bị TAT (TPHCM) để cho ra đời mẫu máy cắt kim loại sử dụng công nghệ fiber laser có hiệu suất hoạt động cao hơn laser thông thường; hợp tác với công ty chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) để “nghiên cứu tách chiết dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” với công suất 5 triệu lít/năm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; với công ty Than Cửa Ông (Quảng Ninh) để xây dựng hệ thống tự động hóa công đoạn bốc dỡ than nguyên khai trong dây chuyền tuyển than”, hệ thống tự động thu thập, phân tích, xử lý thông tin, hỗ trợ công tác điều hành, quản lý…

Thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ và làm dịch vụ, nguồn thu của Viện đã được cải thiện và theo đánh giá của Viện trưởng Lê Hùng Lân “tỷ trọng các nguồn thu từ đó đã có bước đột phá và ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện năng lực và uy tín của Viện và là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển nguồn nhân lực, đồng thời góp phần nâng cao đời sống cán bộ”.

Hi vọng bứt phá từ những nhân tố mới

Mặc dù công việc đang tiến triển và theo nhận xét của thứ trưởng Trần Văn Tùng, đầu tư cho nghiên cứu và thu nhập bình quân đầu người của Viện đã có phần tốt lên nhưng để có được sự bứt phá, Viện cần phải có được những bước phát triển mới.

Những điều đó đang được NACENTECH lên kế hoạch trong một vài năm trở lại đây. Một trong số đó là việc lập dự án “Phòng thí nghiệm nghiên cứu thiết kế chế tạo các linh kiện cảm biến dựa trên công nghệ MEMS/NEMS - Quang điện tử và Khu nghiên cứu Chế thử sản phẩm công nghệ cao” mới được hoàn thành vào ngày 4/10/2019 để thực hiện các dự án nghiên cứu liên ngành, tiếp thu công nghệ và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm KH&CN thông qua mối hợp tác với các công ty trong và ngoài nước. Cùng với đó là một số dự án tăng cường năng lực khác, trong đó có ba dự án cho các hướng quang điện tử, laser và các dự án cho vi điện tử, sinh học, công nghệ thông tin- tự động hóa, IoT…

TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng NACENTECH, đã được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: Trung tâm TT/Bộ KH&CN.

Đề cập đến những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà NACENTECH đang có, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Viện đang đứng trước cơ hội bứt phá. Đặc biệt, “với đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, Viện có khả năng thực hiện được nhiều công việc ở tầm khu vực và quốc tế. Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS tại Hòa Lạc sẽ giúp Viện giải quyết được nhiều bài toán công nghệ trong nhiêu lĩnh vực có thể chuyển giao cho doanh nghiệp”, ông nói.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã giao cho NACENTECH một số nhiệm vụ quan trọng như tiếp tục phát triển một số công nghệ liên quan đến CMCN4, ứng dụng trong đô thị thông minh, y sinh, nông nghiệp thông minh…; nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ cao trong an ninh quốc phòng; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế thông qua các dự án nghiên cứu chung; nâng cao hiệu quả đào tạo tiến sỹ.

Nhân dịp này, TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng NACENTECH, đã được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều tập thể và cá nhân của NACENTECH cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH&CN.