Hiểu rõ về đặc thù riêng của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng có nhiều ưu thế trong việc triển khai nghiên cứu, và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, giải quyết những bài toán cấp bách của các địa phương.

Trả lời những câu hỏi từ thực tiễn của từng vùng

Hoạt động qua 20 năm của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là Nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phát triển bền vững các vùng lãnh thổ và tư vấn cho các địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN, cả ở tầm vĩ mô và vi mô, PGS.TS Lê Tất Khương – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng (Viện) cho biết.

Ở tầm vĩ mô, hầu hết các hoạt động của Viện đã bám sát mục tiêu hỗ trợ phát triển KH&CN cho các vùng lãnh thổ gắn kết với các chương trình lớn của Bộ KH&CN và của Chính phủ. Cụ thể như Chương trình: đổi mới công nghệ quốc gia, nông thôn miền núi, xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Cán bộ Viện thực hiện phân tích trên máy LC-ICT/MS. Ảnh IRRD

Viện đã có nhiều khuyến nghị cho việc đổi mới xây dựng và thực hiện chính sách, qua đó góp phần hoàn thiện và thực hiện tốt việc xây dựng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế đảm bảo ổn định chính trị xã hội (thuộc nhiệm vụ cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá chính sách đối với các dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn ở nước ta”); đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của 7 vùng kinh tế trên cả nước và đưa ra những giải pháp, khuyến cáo cụ thể đối với từng vùng.

Đi sâu vào các vùng lãnh thổ, Viện đã nghiên cứu và xác định được các giải pháp phát triển bền vững và xây dựng thành công 4 mô hình rừng phòng hộ ven biển (đai rừng chắn gió, rừng ngập mặn ), mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, quy mô lớn trên đất cát ven biển cho vùng Bắc Trung Bộ tại Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Để phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Bắc Trung Bộ và vùng Trung du miền núi phía Bắc, Viện đã nghiên cứu, thu thập, tuyển chọn thành công nhiều giống cây trồng phù hợp, bao gồm 16 cây bơ đầu dòng, tập đoàn 14 giống cây có múi có giá trị hàng hóa cao, nhiều cây dược liệu quý hiếm như cây bảy lá một hoa, sâm tố nữ, ngải đen, cây riềng ấm...

Viện đã xây dựng “hàng trăm mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ mới, có tính bền vững cao, có khả năng mở rộng như mô hình trồng, chế biến chè chất lượng cao cho vùng Trung du miền núi phía Bắc; mô hình ứng dụng công nghệ CAS, mô hình sản xuất vải thiều Lục Ngạn theo tiêu chuẩn GlobalGAP; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra giá trị gia tăng cao cho vùng Đồng bằn sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ,... qua đó tạo ra những sản phẩm có giá trị hàng hóa, có hàm lượng khoa học cao, được người dân và lãnh đạo các địa phương đánh giá cao (vải thiều, chè, bưởi, hoa, rau, bơ...)” qua đó đã đào tạo cho các địa phương hàng trăm cán bộ kỹ thuật, hàng ngàn lượt nông dân - PGS-TS Khương chia sẻ.

Thực tế, từ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của Viện, nhiều giải pháp KH&CN, giải pháp phát triển kinh tế xã hội đã được các tỉnh như Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Lai Châu, Điện Biên, Cần Thơ... lấy làm căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh giai đoạn đến năm 2020.


Phát triển các dịch vụ để tự chủ

Đầu năm 2012, đơn vị tiền thân của Viện là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng được Bộ KH&CN giao là đơn vị sự nghiệp khoa học – công nghệ tự trang trải kinh phí, hướng tới chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ. Để đảm bảo hoạt động trong điều kiện tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, PGS-TS Khương cho biết, bên cạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Viện cũng chú trọng phát triển các dịch vụ.

Theo đó, việc xây dựng cơ sở pháp lý trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn về quy hoạch; phân tích thử nghiệm và hoạt động môi trường đã được Viện hoàn thiện. Đến nay Viện đã được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng kí hoạt động KH&CN; Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép (số 655) hoạt động trong lĩnh vực đo đạc, đo vẽ bản đồ;giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Phòng thí nghiệm của Viện cũng được cấp chứng nhận phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với số VILAS 839…

“Với tiềm lực, kinh nghiệm thực tiễn và các cơ sở pháp lý trên, công tác dịch vụ KH&CN, thông qua dịch vụ môi trường và tư vấn xây dựng quy hoạch nông thôn mới, đo vẽ, chỉnh lý bản đồ và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Viện đã được nhiều địa phương tin cậy. Minh chứng cho điều này là trên 30 hợp đồng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trên 5 nghìn hồ sơ đất đã được đo vẽ, chỉnh lý bản đồ và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình…, hàng trăm hợp đồng đánh giá tác động môi trường, lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước và khai thác nước ngầm của các công ty đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình đã được ký kết” – PGS-TS Khương chia sẻ.

Những kết quả phong phú trên đây có được là nhờ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của từng cán bộ công tác tại Viện, đặc biệt là sự kiên trì định hướng nghiên cứu ứng dụng, gắn nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ với thực tiễn sản xuất và đời sống.

Để thực hiện định hướng đó, Viện đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các cơ quan nghiên cứu (các viện, các trường đại học) để nghiên cứu, thu thập, thử nghiệm các công nghệ, các kết quả nghiên cứu trong các điều kiện cụ thể của từng vùng lãnh thổ, qua đó lựa chọn các công nghệ, quy trình kĩ thuật phù hợp để chuyển giao cho từng vùng; thường xuyên liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất” – PGS-TS Khương chia sẻ bài học kinh nghiệm.