Gần 80% số công bố quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) trong năm 2022 được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Q1, Q2 theo SCImago hoặc có chỉ số IF > 1 theo Web of Science, Citescore ≥ 2 theo Scopus.

GS.VS Châu Văn Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH

Tại Hội nghị tổng kết năm ngày 22/12, GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST, cho biết, trong năm 2022, các nhà nghiên cứu của VAST đã công bố tổng cộng 2.151 công trình.

Trong số đó, 1.629 công trình (tương đương 76%) được công bố trên các tạp chí quốc tế, tăng 5% so với năm 2021). Đặc biệt, gần 80% số công bố quốc tế của VAST được đăng trên các tạp chí chất lượng, thuộc danh mục Q1, Q2 theo SCImago hoặc có chỉ số IF > 1 theo Web of Science, Citescore ≥ 2 theo Scopus.

Các đơn vị có nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao là: Viện Khoa học Vật liệu, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hóa sinh biển, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hóa học, Viện Toán học,...

Theo GS.VS Châu Văn Minh, tính trung bình, mỗi tiến sĩ ở VAST có 1,2 công bố trên các tạp chí khoa học thuộc các danh mục chuẩn quốc tế mỗi năm. Ông đánh giá, mức này khó có thể tăng thêm. Tuy nhiên, so với năm 2021, chất lượng của các công bố quốc tế đã được nâng cao: số công bố có chỉ số IF ≥ 3 chiếm 37%, tăng hơn 7% so với năm ngoái; và số công bố đăng trên tạp chí đạt chuẩn Q1 của SCImago chiếm 35,8%, tăng hơn 3%.

Năm nay, lần đầu tiên VAST tiến hành đánh giá, lựa chọn các công bố xuất sắc trong năm. Kết quả, có 5 công trình công bố xuất sắc được lựa chọn theo các lĩnh vực Toán học - Công nghệ thông tin; Cơ học - Vật lý - Công nghệ Vũ trụ; Khoa học vật liệu; Khoa học Biển; Môi trường - Năng lượng. Cụ thể, đó là các công trình:

- “Asymptotic behavior of integer programming and the stability of the Castelnuovo-Mumford regularity" được đăng trên tạp chí Mathematical Programming (IF=3,06)của tác giả Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học) giải quyết bài toán quy hoạch nguyên;

- “The μ→eγ decay in an EW-scale non-sterile RH neutrino model” được đăng trên tạp chí The European Physical Journal C (IF = 4,991) của tác giả Đinh Nguyên Dinh (Viện Vật lý) với đóng góp cho ngành vật lý hạt cơ bản;

- “Piezoelectric catalysis for efficient reduction of CO2 using lead-free ferroelectric particulates” được đăng trên tạp chí Nano Energy (IF =19,06) của tác giả Phạm Thị Thuỳ Phương (Viện Công nghệ hoá học) mở ra hướng nghiên cứu tiềm năng cho việc giảm CO2 nhờ tận dụng năng lượng cơ học;

- “An insight into source apportionment of metals in superficial sediments from the Tien Hai nature reserve of the Red River delta, Vietnam” được đăng trên tạp chí Marine Pollution Bulletin (IF =6,49) của tác giả Nguyễn Ngọc Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường biển) cung cấp cơ sở khoa học cho các tổ chức bảo vệ môi trường ra các quyết định/chính sách về kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm kim loại trong trầm tích;

- "A novel flat-panel photobioreactor for simultaneous production of lutein and carbon sequestration by Chlorella sorokiniana TH01” được đăng trên tạp chí Bioresource Technology (IF= 11,88) của nhóm tác giả Trần Đăng Thuần và cộng sự. Công trình này tạo ra một giải pháp công nghệ bền vững dùng vi tảo để biến CO2 thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất các hợp chất thứ cấp gồm lutein, axit béo, protein và carbohydrate - có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và năng lượng.

Bên cạnh nghiên cứu cơ bản, công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ được VAST tiếp tục đẩy mạnh. Trong năm, các đơn vị thuộc VAST đã được cấp 54 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Dẫn đầu là Viện Khoa học vật liệu với 7 bằng độc quyền sáng chế và 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả mà Viện Hàn lâm KH&CN đạt được trong năm 2022 khi nhiều nhiệm vụ nghiên cứu được triển khai thành công, “trải rộng trong các lĩnh vực khoa học từ chuyên ngành đến đa ngành, từ khoa học cơ bản đến phát triển công nghệ và ứng dụng”.

Bộ trưởng đề nghị VAST tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phục vụ triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu trong Chiến lược Phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ tại các chương trình phát triển khoa học cơ bản đã được Thủ tướng phê duyệt theo thế mạnh của VAST; phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về công nghệ, chuyển giao công nghệ,..

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất và đánh giá sự cố môi trường cũng như các hiện tượng lạ, bất thường, dị thường trong tự nhiên để phục vụ công tác điều hành quản lý của các cơ quan nhà nước liên quan.