Ngày 27/7, Trung tâm giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tổ chức bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Đại diện Viện Công nghệ sinh học kí biên bản bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: Thanh An

Trung tâm đã phối hợp với Cục Người có công để lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ ở một số nghĩa trang liệt sĩ trên phạm vi cả nước, bao gồm nghĩa trang Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào…, tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân, kết quả thu được 669 mẫu hài cốt liệt sĩ cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt, có thể dùng để so sánh đối khớp.

“Còn khoảng 100 hồ sơ đang trong giai đoạn hoàn thiện, sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo và gửi thông tin về Cục Người có công”, PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, cho biết.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá cao sự nỗ lực của Trung tâm trong thời gian qua để có thể "trả kết quả rất nhanh, đáp ứng được nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.”

Bày tỏ lòng cảm kích của thân nhân liệt sĩ với công việc của Trung tâm, ông Nguyễn Văn Tế, 81 tuổi, quê ở Thái Bình, chia sẻ: “Anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Đới, hy sinh năm 1955, mặc dù có bằng Tổ quốc ghi công nhưng sau quá trình thu đổi bằng đã bị thất lạc hàng chục năm nay, [chúng tôi] đòi hỏi thì [cơ quan quản lý] bảo đợi. Đến năm 2006, chúng tôi đi tìm thấy mộ anh ở nghĩa trang liệt sĩ ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Để xác định chính xác hài cốt trong đó là của anh tôi, Cục Người có công đã hỗ trợ chúng tôi giám định ADN nhưng qua hai lần mà không được. Đến lần thứ ba, nhờ đến Viện Công nghệ sinh học, các cán bộ rất nhiệt tình, đến tận nghĩa trang ở Thanh Hóa và trực tiếp lấy mẫu nhưng không lấy bất cứ một chi phí gì cả, sau 3 tháng đã cho kết quả. Gia đình chúng tôi rất cảm kích và phấn khởi bởi sau 60 năm, cuối cùng anh trai tôi cũng được trả lại danh hiệu liệt sĩ.”

Đẩy nhanh tốc độ giám định

Khai trương vào tháng 7/2019, Trung tâm giám định ADN là một trong ba đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ trong khuôn khổ Đề án 150 (Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin) do Chính phủ phê duyệt năm 2013, bên cạnh Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

“Trong số 3 đơn vị, Trung tâm ở Viện Công nghệ sinh học là đơn vị đầu tiên hoàn thành dự án nâng cấp cơ sở vật chất vào năm 2019 để nâng cao năng suất và chất lượng giám định ADN hài cốt liệt sĩ”, ông Đào Ngọc Lợi nhận xét.

Trung tâm đã áp dụng nhiều quy trình tách chiết ADN: (1) Quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp hữu cơ; (2) Quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng hệ máy tự động EZ1 – Advantage; (3) Quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp tủa Isopropanol.

Với cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị hiện đại, gồm 10 phòng sạch và các thiết bị tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu…., để sử dụng hiệu quả các thiết bị này, Trung tâm đã cử cán bộ đi đào tạo và học hỏi kinh nghiệm ở một số tổ chức hàng đầu về giám định hình sự tại các nước châu Âu như Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) tại Bosnia và Herzegovina, Viện Khoa học Hình sự Hà Lan và SMART Research tại Hà Lan, Đại học Y Hamburg-Ep-pendorf ở Đức.

Mặc dù bước đầu đạt được những kết quả tích cực song theo PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Trung tâm vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn bởi “nhiều năm đã trôi qua, chất lượng mẫu ngày càng xuống thấp, đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ giám định”.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc giám định theo quy trình thường quy, các cán bộ ở Trung tâm cũng triển khai nghiên cứu để tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có của Trung tâm nhằm tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng (2018) lên 400 mẫu/tháng (2020) tương ứng 96 mẫu/tuần.

“Chúng tôi cũng rất mong có những chính sách hỗ trợ để làm chủ công nghệ mới và nâng cao năng lực giám định cho cán bộ”, PGS.TS. Phí Quyết Tiến cho biết.