Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, rất nhiều quốc gia rơi vào cảnh trạng thiếu điện năng và họ đã tìm tới điện hạt nhân. Câu hỏi đặt ra là vì sao những quốc gia này lại lựa chọn điện hạt nhân?

Có một thực tế là, tại các quốc gia đang phát triển, tốc độ phát triển kinh tế đang ở mức đáng kinh ngạc, người dân chuyển dần từ nông thôn sang thành thị để làm những công việc có thu nhập cao, đời sống người dân cũng nâng lên, các công nghệ thi nhau nở rộ.

Tất cả những điều này khiến nhu cầu năng lượng tại các quốc gia đang phát triển cũng tăng lên nhanh chóng. Theo dự đoán của tập đoàn Exxon Mobil, Mỹ, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên 35% trong giai đoạn từ năm 2010 tới 2040. Rất nhiều quốc gia đang phát triển đã tìm tới năng lượng hạt nhân như một giải pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bloomberg, 2/3 trong số 70 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới từ năm 1989 nằm ở Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương . Một số quốc gia như Ai Cập, Bangladesh, Jordan và Việt Nam đang dự định xây những lò phản ứng đầu tiên. Trong khi, con số này ở các quốc gia phát triển chỉ là 9 lò (chiếm 13% tổng số lò).

Nguyên nhân của việc các quốc gia đang phát triển tìm tới năng lượng hạt nhân một phần là do các nguồn năng lượng thay thế khác như điện gió, năng lượng mặt trời… không đủ đáp ứng nhu cầu tăng chóng mặt về năng lượng của các quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt có vai trò của các quốc gia đang phát triển.

Hơn nữa, việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh, an toàn khác sẽ cần một lộ trình lâu dài, trong khi đó nếu không đáp ứng được ngay lập tức nhu cầu về năng lượng, rất nhiều nền kinh tế sẽ diệt vong, kéo theo đó là những ảnh hưởng to lớn tới toàn xã hội.

Ngoài ra, có một thực tế không thể phủ nhận là việc sử dụng năng lượng hạt nhân là cách giúp các quốc gia đang phát triển đáp ứng được yêu cầu cắt giảm hiệu ứng nhà kính gây hiện tượng nóng lên toàn cầu mà họ cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 21 vừa mới diễn ra ở Paris, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế quốc gia.

Một nhân tố nữa khiến nhiều quốc gia quyết định lựa chọn năng lượng hạt nhân là do công nghệ hạt nhân hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ. Tuy không đảm bảo an toàn 100% nhưng những thiết kế lò mới cùng với công nghệ hiện đại đã giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra thảm họa cũng như nâng cao khả năng ứng phó của con người trước tình huống không hay.

Theo The New Economy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển phù hợp cho việc phát triển năng lượng hạt nhân.

Thứ nhất là nhu cầu về năng lượng của Việt Nam. Theo The Economist, nhu cầu năng lượng của nước ta tăng khoảng 14%/năm và nếu không điều hành khéo, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia nhập khẩu điện. Đây cũng là nhận định được IAEA đưa ra. Và giải pháp điện hạt nhân là một cứu cánh cho đất nước trong bài toán năng lượng.

Thứ hai, Việt Nam có một thuận lợi là có được sự giúp đỡ cả về thực hành và huấn luyện cán bộ của 2 quốc gia có trình độ hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Nhật.

Với khó khăn vì thiếu chuyên môn, nhiều chuyên gia cho rằng việc này có thể giải quyết được nếu chính phủ thực sự nghiêm túc và đầu tư có tính toán cho vấn đề năng lượng.