Theo GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Phó Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (VASA) những khối cầu rỗng rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái có "khả năng cao là bình nhiên liệu thuộc tầng trên của tên lửa mang vệ tinh mà Nga vừa phóng”.


Ngày 2/1, hai khối "vật thể lạ" đã rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái. Đây là các khối cầu làm bằng hợp kim, rỗng, có đường kính hơn 35cm, trọng lưởng gần 40 kg. Nhiều người dân nghe thấy tiếng nổ lớn rồi trước khi tìm thấy những khối cầu này. Các vật thể này rơi xuống nền đất đồi tạo ra vết lõm sâu khoảng 15cm, đường kính 25cm.

Để tìm hiểu về hai "vật thể lạ" này, Báo Khoa học và Phát triển đã liên hệ với GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn. Ông nhận định: “Những khối cầu này là phần sót của thiết bị hàng không vũ trụ. Khả năng cao là của Nga”. GS Sơn cũng cho hay đây không phải là chuyện hy hữu trên thế giới đồng thời cho rằng sự việc trên có khả năng liên quan tới sự kiện Nga phóng vệ tinh.

Vật thể lạ phát hiện tại Tuyên Quang
Vật thể lạ phát hiện tại Tuyên Quang

Ngày 25/12/2015 (giờ Việt Nam), nước này phóng tên lửa Proton mang vệ tinh viễn thông EKSPRESS-AMU1 lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Baikonur.

“Tên lửa Proton có 3 tầng đẩy (đã lần lượt rơi xuống vùng Karaganda của Kazastan, Altai của Nga và Thái Bình Dương sau khi phóng khoảng 41 phút), còn tầng trên cùng Briz-M mang vệ tinh tiếp tục bay để đưa vệ tinh lên các quỹ đạo cao hơn. Khi lên đến độ cao gần 34.000 km, vệ tinh tách ra khỏi tầng trên cùng của tên lửa có tên Briz-M để bay tiếp vào quỹ đạo làm việc. Briz-M thì rơi xuống Trái đất và được tính toán sẽ rơi xuống Ấn Độ Dương. Tầng Briz-M được trang bị các động cơ phản lực khí nén (khí hydrazine hoặc N2O4) chứa trong các bình cầu. Những phần của tên lửa đẩy được tính toán kỹ khi tách ra khỏi vệ tinh, nhưng những khối cầu của tầng trên cùng này chỉ xác định được tương đối điểm rơi”, GS Sơn chia sẻ.

Mô phỏng quỹ đạo điểm rơi trên Ấn Độ Dương của tầng trên cùng Briz-M

Trước đó, ngày 12/12/2015 (giờ Việt Nam), tên lửa Zenit được phóng để đưa vệ tinh thời tiết Elektro-L2 của Nga lên quỹ đạo địa tĩnh từ sân bay Baikonur. Tên lửa có 2 tầng đẩy đã tách và rơi xuống đất sau khoảng 15 phút, còn tầng trên cùng - Fregat-SB (trang bị các động cơ đây bằng khí nén) - tiếp tục mang vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh.


Tầng trên cùng Briz-M (có thể thấy các bình nhiên liệu)

Sau gần 9 giờ, vệ tinh tách khỏi tầng Fregat-SB để bay vào quỹ đạo làm việc, còn tầng Fregat-SB thì rơi trở lại Trái đất và dự tính sẽ đáp xuống Ấn Độ Dương theo quỹ đạo tương tự như Britz-M.

Fregat-SB cũng được trang bị các động cơ phản lực khí nén (gồm các bình khi nén, kích thước đường kính khoảng 25-40cm).

Tầng trên cùng Fregat-SB (của tên lửa Zenit phóng vệ tinh Elektro_L 2 ngày 12/12/2015 từ Baikonur)
Tầng trên cùng Fregat-SB của tên lửa Zenit phóng vệ tinh Elektro_L 2 ngày 12/12/2015

Suy luận của GS Sơn càng được củng cố khi tờ Bangkok Post ngày 3/1 đưa tin nhiều người dân sống ở các tỉnh phía bắc Thái Lan như Chiangmai, Phrae, Phayao… đã chứng kiến hiện tượng lạ: trên bầu trời xuất hiện một vệt trắng sáng di chuyển. Sự việc diễn ra vào 2/1/2016, trùng với ngày những người dân ở Tuyên Quang, Yên Bái của Việt Nam phát hiện ra những vật thể lạ. Rất có thể các vật thể này bay qua Thái Lan trước khi rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái.

Năm 2015, thế giới đã phóng 87 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Nga là nước phóng nhiều vệ tinh nhất với 30 lần, xếp sau là Mỹ và Trung Quốc (hơn 20 lần).