Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng Internet cao hàng đầu thế giới nhưng lại thuộc nhóm những nước có chỉ số văn minh mạng thấp, theo "Báo cáo Quốc gia: Việt Nam - một xã hội số".

Báo cáo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Justus-Liebig Universität (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation thực hiện.

Toàn cảnh buổi tọa đàm công bố Báo cáo quốc gia Việt Nam - Một xã hội số.
Toàn cảnh buổi tọa đàm công bố Báo cáo quốc gia Việt Nam - Một xã hội số. Nguồn USSH

Cụ thể, Báo cáo cho biết, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 68,72 triệu người (chiếm 70,3 % dân số) tính đến tháng 1/2021. Số người sử dụng Internet thông qua các thiết bị di dộng chiếm 94,7%, và thời gian dùng Internet trung bình hằng ngày của người trong độ tuổi 16 đến 64 là 6 giờ 47 phút. Đặc biệt, đã có 72 triệu người (chiếm 73,7% dân số) dùng mạng xã hội.

Mặt khác, Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước có chỉ số văn minh mạng thấp nhất trong số 25 nước mà Microsoft thực hiện đánh giá. Năm 2021, trong số 32 nước được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 24, trên 8 quốc gia khác, chủ yếu ở châu Phi.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Nguồn: USSH

Phát biểu tại buổi tọa đàm công bố báo cáo mới đây, ông Trương Quốc Hưng - Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội văn minh là điều cần thiết, đặc biệt với với một xã hội trẻ như Việt Nam. Pháp luật nên kiểm soát thế nào để người dân sử dụng không gian mạng có lợi có cuộc sống, công việc, học hành mà không gây tổn hại cho người khác.

Các chuyên gia tại hội thảo đều tin rằng, giáo dục là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề trên.

Ở Ấn Độ, khái niệm “Làm cha mẹ trên không gian số” đã ra đời, theo chia sẻ của ông Sarada Prasanna Das - Institute for Govermence, Policies and Politics, Vivek Manthana Foundation, New Delhi. Ấn Độ xây dựng các bài học quanh khái niệm này nhằm dạy cho cha mẹ biết cách ứng xử với con cái trên không gian số khi không thể cấm chúng tiếp cận điện thoại, máy tính và internet.

“Không phải ai cũng được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng ứng xử phù hợp. Vì thế, trang bị cho các bậc cha mẹ cách ứng xử với con cái trên không gian mạng là một yêu cầu cấp bách” - ông Sarada nói.

Trong khi đó, ông Phạm Giang Linh - nhà sáng lập nền tảng học trực tuyến Học Mãi - nhấn mạnh, bên cạnh việc đào tạo cách làm cha mẹ trong không gian số, học sinh cũng cần được giáo dục về cách hành xử văn minh trên không gian mạng. "Các em cần được dạy về máy tính, internet, đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số ngay từ sớm," ông nói.