UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 2 phương án: tiêu thụ khoảng 114.000 tấn (trong đó xuất khẩu 53.000 tấn) nếu tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát và khoảng 95.000 tấn (xuất khẩu 35.000 tấn) nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2021 do UBND huyện Lục Ngạn tổ chức vào ngày 1/4, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, tổng diện tích trồng vải toàn huyện trong năm 2021 là 15.450 ha, trong đó diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 12.400 ha, diện tích đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 318 ha. Tổng sản lượng ước đạt 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn). Dựkiến, vải sẽ bắt đầu được thu hoạch từ 20/5 đến 20/7/2021.

Đối với vải thiều xuất khẩu, hiện nay, có 36 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận, 18 mã số vùng xuất khẩu vào thị trường EU, và 27 mã số vùng trồng (tăng 9 mã số với năm 2020) đối với thị trường Nhật Bản.

Trước đó, năm 2020, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt 93.200 tấn, trong đó xuất khẩu trên 41.000 tấn và tiêu thụ trong nước 52.000 tấn.

Ông cho biết, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 2 phương án:

Đối với phương án 1, nếu tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng đã được kiểm soát, các hoạt động giao thương trở lại bình thường, UBND dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 114.000 tấn vải thiều tươi.

Trong đó, khoảng 51.000 tấn được tiêu thụ trong nước thông qua các trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,... Huyện chủ động mời và làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ như BigC, SaiGon.Coop, Hapro, Vinmart,... để đưa sản phẩm vào kênh phân phối của các hệ thống siêu thị.

Đồng thời, xuất khẩu khoảng 53.000 tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 80-85%) và một số thị trường khác như Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á,...

Bên cạnh đó, vải thiều cũng được tiêu thụ theo các hình thức khác như chế biến sấy khô, làm nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn thông qua các doanh nghiệp

Còn với phương án 2, nếu tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND dự kiến tiêu thụ khoảng 95.000 tấn vải thiều tươi, trong đó tiêu thụ trong nước 60.000 tấn và xuất khẩu 35.000 tấn. Ngoài ra, tiêu thụ bằng các hình thức khác khoảng 25.000 tấn.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang. Ảnh: MH

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bắc Giang - cho biết, sự kiện vải thiều Lục Ngạn mới đây được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa hết sức quan trọng, “có thể nói đây là giấy thông hành để đưa vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản và các thị trường cao cấp khác”. “Khi các sản phẩm đã được bảo hộ ở nước họ thì khách hàng, người tiêu dùng có niềm tin tuyệt đối vào sản phẩm, bên cạnh đó giá trị cũng lớn hơn rất nhiều so với các sản phẩm của nước ta năm ngoái đã xuất sang nhưng chưa được bảo hộ”, ông nói.

Ông chỉ ra một số điểm mà phía Nhật Bản nhận thấy nước ta còn yếu trong quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý này, chẳng hạn như khả năng tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý còn kém, thiếu các tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu các đặc tính của sản phẩm, dữ liệu về đặc tính sản phẩm không đc cập nhật thường xuyên, hoạt động gắn chỉ dẫn địa lý lên bao bì sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ,...

Ông đề nghị, huyện cần tập trung chỉ đạo bà con chăm sóc vải thiều đúng theo các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là đối với các mã vùng trồng dự kiến sẽ xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Sở KH&CN sẽ giao cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang thực hiện các phân tích, đánh giá các mẫu vải thiều một cách bài bản; lựa chọn các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng các báo cáo về sản phẩm vải thiều.

Trước đó, ngày 12/3 vừa qua, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về việc vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.