Ngày 21/6, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt-Pháp) phối hợp với Cộng đồng vật lý thiên văn tại Hà Nội tổ chức Ngày hội Vũ trụ với hoạt động quan sát hiện tượng nhật thực vành khuyên qua kính thiên văn và kính lọc mặt trời chuyên dụng.

Theo dự báo của các nhà thiên văn học, nếu bỏ qua nhật thực vành khuyên ngày 21/6/2020 thì cộng đồng yêu thiên văn phải chờ thêm khoảng 11 năm nữa mới lại được ngắm nhìn một hiện tượng tương tự, khi Mặt Trăng che khuất 72% Mặt Trời.

Các em nhỏ quan sát hiện tượng nhật thức trong Ngày hội vũ trụ 2019. Ảnh:Khánh Minh
Các em nhỏ được hướng dẫn cách quan sát hiện tượng nhật thực trong Ngày hội Vũ trụ 2019 tại USTH. Ảnh:Khánh Minh

Nhật thực sẽ bắt đầu vào 13h16 khi Mặt Trăng bắt đầu chạm vào rìa Mặt Trời, độ che phủ sẽ đạt cực đại (72%) vào 14h55 và sẽ kết thúc lúc 16h18 khi Mặt Trăng rời khỏi rìa Mặt Trời.

Nhật thực vành khuyên là tên gọi pha cực đại của nhật thực lần này, xảy ra khi Trái Đất ở gần nhất với Mặt Trời vào cùng thời điểm Mặt Trăng lại ở xa nhất so với Trái Đất. Do đó, Mặt Trăng không đủ lớn để che phủ hoàn toàn Mặt Trời. Dù ở thời điểm che phủ lớn nhất, rìa ngoài của Mặt Trời vẫn hiện diện tạo thành một vòng sáng tuyệt đẹp hình vành khuyên, như tên gọi của nhật thực. Trong các loại nhật thực, nhật thực vành khuyên được coi là đáng chú ý hơn cả vì có chu kỳ lặp lại khá dài.

Ảnh: Khánh Minh
Cộng đồng yêu thiên văn có thể quan sát hiện tượng nhật thực qua kính thiên văn và kính lọc mặt trời chuyên dụng. Ảnh: Khánh Minh

PGS.TS Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH, cho biết: “Đây chắc chắn là một trải nghiệm lý thú mà những người yêu thiên văn không thể bỏ qua bởi lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi 11 năm nữa mới có thể quan sát hiện tượng nhật thực 'đúng nghĩa' này tại Hà Nội.”

Tham dự sự kiện, ngoài việc quan sát nhật thực một cách an toàn thông qua kính lọc chuyên dụng, công chúng còn có cơ hội giao lưu với các CLB thiên văn tại Hà Nội cũng như gặp gỡ các chuyên gia trong lĩnh vực thiên văn.

USTH Space Day được Khoa Vũ trụ và Ứng dụng tổ chức thường niên nhằm phổ biến kiến thức về Vật lý thiên văn, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và truyền bá vẻ đẹp của khoa học vũ trụ đến với công chúng.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 12:00 – 16:00, Chủ Nhật, ngày 21/6/2020
Địa điểm: Tòa nhà A21, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Mở cửa tự do