Quan trắc là đầu vào quan trọng nhất trong việc thực hiện các chính sách và đề xuất các giải pháp về công nghệ xử lý nước thải tại các khu công nghiệp. Do đó, việc quan trắc online cần được đẩy mạnh, nhằm đảm bảo công tác quan trắc được thực hiện thường xuyên liên tục.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo khởi động Dự án TAKIZ “Ứng dụng các thiết bị quản lý di động trong việc quan trắc nước thải tại các khu công nghiệp ở Việt Nam”. Đây là dự án tiếp nối thành công của Dự án AKIZ “Chiến lược quản lý nước thải tổng hợp cho khu công nghiệp” được thực hiện từ năm 2010 – 2105.

Đây là dự án hợp tác song phương do Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức và Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như các đối tác công nghiệp Đức tài trợ, với tổng ngân sách hơn 10 triệu EUR. Dự án AKIZ được thí điểm tại Cần Thơ và đã thành công trong việc tạo ra năng lượng sạch như khí đốt sinh học từ bùn thải và khả năng thu hồi chất có giá trị trong các quá trình xử lý. Hệ thống quan trắc nước thải tự động của Dự án đã quan trắc thành công nước thải công nghiệp, nước bề mặt, nhà máy xử lý nước thải. Từ đó, đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp trong việc xử lý nước thải bị ô nhiễm.

Tại hội thảo, ông Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN cho biết, hiện Việt Nam có khoảng trên 290 khu công nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển kinh tế mà các khu công nghiệp, khu chế xuất mang lại là những thách thức phải xử lý. Đó là nguồn nước thải trong các khu này không có hệ thống xử lý bền vững triệt để.

Do vậy, theo ông Khánh, vấn đề nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ toàn diện để quản lý nước thải phát sinh từ các khu công nghệ này là vấn đề hết sức cần thiết nhằm phát triển bền vững các khu công nghiệp. Thông qua các kết quả nghiên cứu của Dự án AKIZ trong thời gian qua, việc tiếp tục triển khai Dự án TAKIZ trong thời gian tới, với các kết quả nghiên cứu có được sẽ là nền tảng cho việc xây dựng các giải pháp quản lý nước thải tổng hợp tại các khu công nghiệp của Việt Nam – ông Khánh nhấn mạnh.

Mọi thí nghiệm trên MobiLab3 được tự động hoàn toàn
Mọi thí nghiệm trên MobiLab3 được tự động hoàn toàn

Tại dự án TAKIZ, hệ thống quan trắc nước thải tự động (MobiLab3) sẽ được triển khai, ứng dụng. Hệ thống này kết hợp giữa phân tích trực tuyến và phòng thí nghiệm công – ten – nơ, hiện đặt tại Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM.

Ông Nguyễn Trung Dũng – Trường ĐH Công nghệ cho biết, MobiLab3 được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy các môn học về môi trường cho sinh viên thực tập, làm các đề tài tốt nghiệp về đánh giá chất lượng nước kênh Tham Lương, Thị Nghè của Tp.HCM. Hiện trường đang tiếp tục phát triển các đề tài thạc sĩ, tiến sĩ thông qua ứng dụng MobiLab3. Ngoài ra, hệ thống đươc đưa xuống Sóc Trăng để kiểm định chất lượng nước ao nuôi cá, quan trắc tại hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng. Thông qua MobiLab3, Trường đã tiếp cận được với nhiều công nghệ mới trong việc quan trắc, quản lý nước thải.

Ông Trần Thiện Nhân – Chuyên viên Dự án TAKIZ cho biết, Mobilab3 có thể vận chuyển như thùng xe hoặc kéo bởi xe tải, được vận hành tại điểm phân tích. Mobilab3 thu mẫu tự động và cho kết quả nhanh chóng (3 – 5 phút), truyền dữ liệu trực tuyến, có camera theo dõi cùng máy phát điện. Thiết bị có thể đo các thông số như tổng cacbon hữu cơ (TOC), tổng ni tơ liên kết (TNb), nhu cầu oxy hóa học (COD), độ độc, NH4-N, pH, độ dẫn điện, điện thế oxy hóa khử, dữ liệu thời tiết…

Theo TS Wolfgang Genthe, chuyên gia Công hòa Liên bang Đức, vấn đề quan trắc là đầu vào quan trọng nhất trong việc thực hiện các chính sách và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý nước thải cho các khu công nghiệp. Do đó, việc quan trắc cần đẩy mạnh thực hiện, nhất là quan trắc online nhằm đảm bảo công tác quan trắc được thực hiện thường xuyên liên tục, đảm bảo yêu cầu đề ra. Việc quan trắc thường xuyên sẽ giúp xác định chất lượng nguồn nước thải, xác định trong nước có kim loại nặng, có độc tố hay không và cần sử dụng phương pháp gì để xử lý loại bỏ các độc tố, đảm bảo nước thải sau khi xử lý và thải ra môi trường phải đạt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định.