Nông nghiệp đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đang đứng trước nhiều nguy cơ: diện tích canh tác bị thu hẹp do đô thị hóa, thiếu hụt nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, cạnh tranh thị trường từ các hiệp định thương mại tự do. Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là một “chìa khóa” để giải quyết những thách thức này.

Đây là vấn đề chính được thảo luận tại hội thảo Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng đồng bằng sông Hồng ngày 26/4. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu, các Giám đốc sở KH&CN các tỉnh vùng ĐBSH và các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh chất lượng hàng nông - lâm - thủy sản ngày càng quyết liệt. Nếu cứ sản xuất manh mún, không đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi... và không phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta còn thụt lùi xa hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu. Trong bối cảnh đó, theo ông, “phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chìa khoá giúp Đồng bằng sông Hồng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là ‘động lực, cho sự phát triển chung của cả nước’. Các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò ‘đầu tàu’, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng được các quy trình công nghệ cao, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, tạo ra chuỗi cung ứng đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ”.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng đồng bằng sông Hồng

Nhưng nông nghiệp công nghệ cao ở vùng ĐBSH vẫn đang vấp phải nhiều thách thức, khi vùng nguyên liệu còn phân tán nhỏ lẻ, người dân sản xuất không theo quy hoạch và bố trí mùa vụ bất hợp lý. Không có quy hoạch cũng như quy mô quá manh mún nhỏ lẻ dẫn đến khó đổi mới công nghệ; không đổi mới công nghệ lại dẫn đến sản phẩm đầu ra không đồng đều, thiếu ổn định, gây khó khăn cho khâu chế biến. Những vướng mắc trên cả chuỗi sản xuất – cung ứng như thế làm cho không nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những thực trạng được chỉ ra bởi PGS.TS Lê Đăng Thanh, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Giao – một trong số ít doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn của ĐBSH.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng xác định quy mô manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chưa tốt là các điểm yếu của ngành nông nghiệp. Do vây, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu, được phê duyệt từ 2013, trong đó tổ chức lại sản xuất và khoa học công nghệ là các trụ cột hàng đầu. Tuy nhiên ông cũng cho biết, tập trung phát triển quy mô lớn không có nghĩa là loại trừ các hình thức canh tác khác, mà phải thúc đẩy phát triển một cách đa dạng các loại hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, “nhiều nông dân canh tác rất bình thường nhưng lại là công nghệ cao. Có những hộ nông dân trồng bưởi ở Hà Nội trên diện tích không lớn nhưng áp dụng công nghệ cao và có thu nhập cả tỉ đồng một năm”, ông nói. “Do vậy, cần phải phát triển đa dạng tùy theo từng sản phẩm, công nghệ, hình thức”.

Dấu hiệu tích cực là cho đến nay số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tăng nhanh. Tại hội thảo, các doanh nghiệp như Đồng Giao của Ninh Bình, công ty sản xuất nấm Kinoko của Hà Nội, HTX thủy sản Xuyên Việt của Hải Dương đều cho biết họ rất chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ trong toàn chuỗi giá trị - từ khâu giống, nuôi trồng đến chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.

Bên lề hội thảo là triển lãm trưng bày các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ đến từ các tỉnh vùng ĐBSH.


Sản phẩm tinh dầu và viên nang tỏi đen tại gian hàng sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của TP Hải Phòng.


Khách mua nước mắm Cát Hải tại gian hàng sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của TP Hải Phòng.


Ăn thử chả cá của HTX thủy sản Xuyên Việt tại gian hàng sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh Hải Dương.


Khách tham quan sản phẩm rượu linh chi tại gian hàng sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của TP Ninh Bình.



Giới thiệu sản phẩm từ nghệ, nano curcumin, tại gian hàng của tỉnh Hưng Yên.


Mua hoa lan tại gian hàng sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của TP Hà Nội.