Từ ngàn xưa, con người đã không bao giờ muốn chấp nhận thực tại hữu hạn nên đã không ngừng tưởng tượng về những thế giới khác – nơi họ tự do làm những điều không đạt được trong cuộc đời thực, kể cả những điều tốt đẹp cho bản thân và những hình phạt cho kẻ thù.

Phải chăng tự do chính là động lực thúc đẩy con người sáng tạo ra Internet, ra mạng xã hội – hay thế giới ảo như cách gọi để gộp chung tất cả những phát minh vĩ đại và rồ điên đó.

Càng ngẫm về cách chúng ta tung hoành trong thế giới ảo, hay mò mẫm, hoảng loạn trong đó tôi càng thấy nên gọi nó là phát minh vĩ đại và rồ điên của nhân loại. Khi tri thức như được mở ra không ngừng nhờ Internet, khi tương tác xã hội được nhân lên dường như vô hạn trong mạng xã hội, chúng ta tưởng mình đã được tự do hơn. Chúng ta tưởng như mình đang sánh cùng các vị thần tiên trong thế giới siêu nhiên. Tiếc thay, chúng ta vẫn chỉ là người trần mắt thịt – càng phát minh, càng không thể cất cánh vì bị ghim chặt ở mặt đất bởi sức nặng của chính mình.

Mấy tuần qua, mạng xã hội liên tục dậy sóng bởi một số vụ bê bối pháp đình, bởi những lời tố cáo xâm hại tình dục và kêu cứu vì bạo hành. Có bao nhiêu tình cảm tốt đẹp được sẻ chia thì cũng có bấy nhiêu những lời thóa mạ, rủa xả. Cảm giác tự do khỏi những giao tiếp vật lý càng khiến người ta dễ dàng mạt sát lẫn nhau nhiều hơn và tàn tệ hơn ở ngoài đời thực. Xem ra tự do trong thế giới ảo còn khó khăn hơn. Vậy chúng ta đang đi về đâu? Tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay đặt ra cho các học trò của mình “Ta đã làm gì đời ta”và những suy nghĩ lan man của tôi về thế giới ảo chợt quay về day dứt. Chừng nào chúng ta không rũ bỏ được sức nặng trần tục mà chúng ta được bồi đắp từ nền văn hoá của cuộc đời này, chừng đó chúng ta vẫn tiếp tục tước đi tự do của chính mình ở mọi thế giới, cho dù có tạo ra bao nhiêu thế giới chăng nữa.

Đó là những chia sẻ đầu tiên của TS. Khuất Thu Hồng về buổi nói chuyện “Ta đã làm gì đời ta … trong thế giới ảo?”.

Tại buổi nói, hai diễn giả, TS. Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội – ISDS) và TS. Đặng Hoàng Giang (Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - CECODES), sẽ cùng các cử tọa trao đổi, thảo luận về những nội dung chính sau đây:

Chúng ta sống ảo từ bao giờ?

Chúng ta sống ảo đến mức nào?

Đời thực đã “xâm lăng”thế giới ảo ra sao?

Chúng ta sẽ còn sống thực được bao lâu?

Buổi nói chuyện do Tia Sáng/ Báo Khoa học và phát triển tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.


Thông tin chi tiết:

Thời gian:14h30, thứ Bảy ngày 09/06/2018.
Địa điểm:Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vào cửa tự do.
Chia sẻ