Doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Bách khoa TP. HCM thuộc nhóm trường đứng đầu cả nước, báo cáo tổng kết của Trường cho biết.

Ngày 27/10, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường. Theo đó, nhà trường đặt mục tiêu thực hiện tốt việc quốc tế hóa giáo dục đại học, xuất sắc trong KHCN và đổi mới sáng tạo.

Khi mới thành lập (1957), Trường ĐH Bách khoa TPHCM chỉ đào tạo cán bộ kỹ thuật, với đội ngũ cán bộ giảng viên rất khiêm tốn và cơ sở vật chất còn hạn chế. Năm 1996, trường chính thức trở thành thành viên trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Đến nay, Trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn nhất phía Nam và là trường đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước.

Hiện nay, trường có gần 27.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học và phát triển. Trường ĐH Bách khoa liên tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, mở rộng cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên. Trường đã có 35 ngành đào tạo đại học; 72 ngành sau đại học; số lượng chương trình liên kết quốc tế, tăng gần 5 lần chỉ trong 5 năm gần đây. Trường giữ vững thành tích tốp đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế với 51 chương trình, chiếm gần 1/3 trong tổng số các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế trên toàn quốc.

b
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM, phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: BK

Trường cũng là đơn vị luôn tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Theo báo cáo tổng kết của Trường, trong giai đoạn 2017-2022, Trường đã thực hiện tổng cộng hơn 1.000 đề tài các cấp, với các nghiên cứu triển khai có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết các vấn đề sản xuất và của xã hội. Kinh phí KH&CN huy động từ các nguồn tăng mạnh từ năm 2018 và đạt hơn 80 tỷ đồng năm 2021. Doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường thuộc nhóm trường đại học đứng đầu cả nước, đạt trung bình 150 tỷ/năm.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, hiện nay, Trường đang tập trung nguồn lực con người và cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế quản trị hiệu quả để thực hiện tốt hai mảng chiến lược: Quốc tế hóa giáo dục đại học; xuất sắc trong KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển giao tri thức.

Trong đó, chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học đã được Trường triển khai với các giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh các chương trình liên kết quốc tế; quốc tế hóa tại chỗ từ nhập khẩu chương trình đào tạo nước ngoài thông qua Chương trình tiên tiến; phát triển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; thúc đẩy dịch chuyển sinh viên bằng những chương trình trao đổi văn hóa và trao đổi học thuật.

f
Sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học. Ảnh: Internet

"Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy công bố khoa học như tin học hóa quy trình quản lý khoa học, đa dạng hóa ngân sách KH&CN, xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành,… của nhà trường thực hiện chỉ trong hai năm đã phát huy tác dụng, số lượng công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục xếp hạng tăng hơn 30%/năm", PGS.TS Mai Thanh Phong chia sẻ.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Trường cũng ra mắt Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa. Quỹ được thành lập và quản lý bởi Ban đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa, nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tập tốt, lập nghiệp và đóng góp cho xã hội; hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu khoa học cho giảng viên, sinh viên;…