Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cần phân tích thực trạng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta, nếu muốn đưa lĩnh vực này vào giai đoạn phát triển mới.

Ý kiến này được Trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức ngày 10/4 tại TPHCM.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Nguồn: BTC
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Nguồn: BTC

Với tiềm năng và lợi thế có được, theo ông Trần Tuấn Anh, trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác của nhiều đối tác quốc tế, ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường thế giới, góp phần tích cực vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nhiều vùng, địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn đánh giá: "Ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí".

Dù có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng một trong những lý do chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành này còn thiếu và yếu, đào tạo nguồn nhân lựa chưa gắn kết chặt chẽ với khoa học và công nghệ. Trong khi đó cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học quốc gia TP HCM và các diễn giả tham gia hội thảo. Nguồn: BTC
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học quốc gia TP HCM và các diễn giả tham gia hội thảo. Nguồn: BTC

Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, ông Trần Tuấn Anh đã đưa ra 5 điểm cần thực hiện:

Thứ nhất, làm rõ hơn nữa vai trò và thực trạng của ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua. Nhận diện, làm rõ vai trò của khoa học công, nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta cũng như phân tích thực trạng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển lĩnh vực này là vấn đề then chốt.

Thứ hai, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam: Điểm mạnh, điểm yếu bao gồm: nguồn nhân lực quản lý, nhân lực khoa học công nghệ và lực lượng lao động.

Thứ ba, nhận diện, làm rõ những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu tại Việt Nam, đặc biệt cần làm rõ đâu là những nút thắt Nhà nước cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Thứ tư, phân tích, đánh giá về xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới, từ đó có được tư duy và cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và phát triển ngành công nghiệp vật liệu nói riêng; phân tích chiến lược phát triển nhân lực ngành công nghiệp vật liệu của các nước để lấy làm kinh nghiệm, bài học cho Việt Nam.

Thứ năm, đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu, nhất là những mô hình, cách làm sáng tạo, những bài học kinh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.