Với việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu, Trung tâm hợp tác IAEA - VINATOM về nước và môi trường được kỳ vọng sẽ góp phần làm rõ hơn các vấn đề về ô nhiễm nước và môi trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á.

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 4/4/2019, Trung tâm hợp tác IAEA – VINATOM về nước và môi trường sẽ tập trung vào bốn hướng nghiên cứu chính là nghiên cứu nước bề mặt; kiểm soát chất lượng không khí, nghiên cứu đất đai và nông nghiệp; nghiên cứu môi trường biển. Tuy không phải là những hướng nghiên cứu mới nhưng việc áp dụng các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ – hiện còn chưa được phổ biến ở Việt Nam, sẽ đem lại các cách tiếp cận mới trong quá trình nghiên cứu về môi trường đất và nước cho các nhà nghiên cứu. Đây là trung tâm hợp tác đầu tiên của IAEA được thành lập ở Việt Nam và là trung tâm thứ 6 ở Đông Nam Á, sau các cơ sở ở Phillipines, Indonesia và Malaysia.

Phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm hợp tác, TS. Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã lý giải nguyên nhân vì sao IAEA lại chọn Việt Nam: về điều kiện tự nhiên, Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới gió mùa ven biển, có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; về tình hình phát triển xã hội, Việt Nam là quốc gia đang phát triển đang gặp phải nhiều vấn đề về môi trường. Ở góc độ của người làm nghiên cứu và quản lý – bà từng là giám đốc nghiên cứu của trường đại học Ibn Tofail (Morocco) trong vòng 20 năm và giám đốc Bộ phận châu Á Thái Bình Dương nhiều năm trước khi đảm trách chức vụ này, bà cho rằng, hiện rất nhiều kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ đang được IAEA phát triển có thể phát huy được ưu điểm khi ứng dụng tại Việt Nam, ví dụ như như đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, hay xử lý môi trường…

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM phát biểu tại lễ khánh thành. Nguồn: nangluongnguyentu

Tuy nhiên, để IAEA đi đến quyết định mở Trung tâm hợp tác tại Việt Nam, chúng ta cũng phải đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng, theo đánh giá của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM). “IAEA đã kiểm tra năng lực quản lý và nghiên cứu của VINATOM trong việc thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu ô nhiễm môi trường, nông nghiệp, y tế, quản lý thổ nhưỡng đất đai… Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt nhiều dự án nghiên cứu do IAEA tài trợ trong các lĩnh vực này. Với năng lực đã được tích lũy thông qua các dự án nghiên cứu như vậy, chúng ta đã thuyết phục được IAEA mở trung tâm”, anh giải thích thêm.

Với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, việc có được một trung tâm hợp tác sẽ là cơ hội rất lớn để nâng cao thêm năng lực đội ngũ nghiên cứu và mở rộng hơn nữa những ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân, qua đó góp phần nhận diện và giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến môi trường và nước. TS. Trần Chí Thành nói: “Khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu của VINATOM có thể mở rộng hợp tác trong nước và với các quốc gia trong khu vực thông qua việc chia sẻ thông tin và cùng tiến hành nghiên cứu. Như vậy, các vấn đề được giải quyết sẽ ở quy mô và phạm vi lớn hơn”.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt IAEA sẽ hỗ trợ trung tâm thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu và các hoạt động xúc tiến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2019, dự kiến Trung tâm sẽ tập trung vào nghiên cứu về ô nhiễm nước ngầm, không khí, đặc biệt sẽ tập trung nghiên cứu về phóng xạ trong môi trường biển Biển Đông với việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân để xác định nguồn gốc phóng xạ và tìm ra biện pháp để bảo vệ môi trường biển. Dù mới được khai trương nhưng hoạt động năm 2019 của Trung tâm đã được lên lịch: tháng 5/2019, xét duyệt các chương trình hợp đồng nghiên cứu hợp tác (CRP), tháng 6/2019 tổ chức lớp học nghiên cứu về thủy văn đồng vị tại VINATOM với sự giảng dạy trực tiếp của chuyên gia IAEA; tháng 7/2019 ra quyết định phê duyệt hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2020-2021 (TC 20-21).


Theo VINATOM, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 3 đến 7/4/2019, TS. Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có buổi làm việc với Bộ Y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc như Bệnh viện K, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhằm thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong y tế và sức khỏe cộng đồng, ví dụ như ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân đồng vị, những kỹ thuật rất mới, gần như chưa phát triển tại Việt Nam trong nghiên cứu chế độ dinh dưỡng và bảo đảm sức khỏe cộng đồng cho người dân.