Chiều 05/06, Lễ ký kết hợp tác đào tạo nguồn lực công nghệ giữa Tập đoàn FPT và Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN) đã được tổ chức. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật đồng thời FPT sẽ trao 01 suất học bổng trị giá 700 triệu cho ĐH KHTN.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện công nghệ của FPT – f.transform() diễn ra từ ngày 03- 06/06 tại Hà Nội.

TS Bùi Quang Ngọc (bên trái) – Tổng giám đốc FPT và PGS.TS. Nguyễn Văn Nội (bên phải) - Hiệu trưởng ĐH KHTN – ĐH QGHN đã đại diện hai bên ký kết biên bản thỏa thuận.

Được biết, theo thỏa thuận ký kết hợp tác Tập đoàn FPT và ĐH KHTN - (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. FPT sẽ trao 01 suất học bổng tiến sĩ toàn phần trị giá 700 triệu cho ĐH KHTN. Ngoài ra, các chuyên gia công nghệ của FPT cũng sẽ trực tiếp đào tạo và giảng dạy tại trường; cung cấp trang thiết bị nghiên cứu để hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu công nghệ.

Tại buổi lễ, đại diện nhà trường đã giới thiệu về ĐH KHTN và các hướng hợp tác tiềm năng với doanh nghiệp. FPT chia sẻ mong muốn hợp tác với nhà trường về các mảng đào tạo cao học và nghiên cứu sinh chất lượng cao; trao đổi cán bộ và sinh viên; hợp tác nghiên cứu, triển khai công nghệ mới, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ và nhân viên với kiến thức và kỹ năng phù hợp, chuẩn bị cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 TS Bùi Quang Ngọc phát biểu.
TS Bùi Quang Ngọc phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Bùi Quang Ngọc – Tổng giám đốc FPT cho biết, với vai trò là một doanh nghiệp, FPT thực sự mong muốn thông qua việc hợp tác có thể nhận được sự hỗ trợ ở hai lợi thế lớn của trường, đó là lực lượng nghiên cứu khoa học co bản và nguồn sinh viên dồi dào.

"Có rất nhiều bài toán của Việt Nam và thế giới mà FPT tham gia giải về công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… đều chứa đựng các mô hình toán học. Do đó, việc tìm ra lời giải dựa trên nền tảng mô hình toán học là công cụ rất mạnh nhưng nếu thiếu sự phân tích đầy đủ về toán thì sản phẩm ra đời vẫn không đủ chất lượng. Hiện tập đoàn hiện có gần 14.000 người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực công nghệ, và cũng đặt ra mức tăng trưởng nhân sự 25-30% mỗi năm. Do đó, chúng tôi luôn đón chào các em sinh viên đam mê lĩnh vực CNTT, đặc biệt là ngành phần mềm. Mà trường ĐH KHTN đã có sẵn một nguồn sinh viên dồi dào", TS Quang bày tỏ.

Theo đó, hoạt động ký kết hợp tác giữa FPT với các trường mở ra một hướng đi mới, gắn doanh nghiệp với trường đại học xuyên suốt trong toàn bộ thời gian học tập của sinh viên. Điều này giúp sinh viên được định hướng thực tế và tiếp cận công nghệ cao ngay trong thời gian học tập tại trường, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Về phía ĐH KHTN, GS.TS. Nguyễn Văn Nội (bên phải) - Hiệu trưởng nhà trường kỳ vọng khả năng hợp tác ở các điểm then chốt của lãnh đạo hai bên sẽ đưa được kết quả thực thi và mang lại lợi ích cho các bên, đặc biệt là các em sinh viên. Không khí gắn kết giữa nhà trường với FPT sẽ tạo ra một động cơ thúc đẩy sự say mê học tập của các em, nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

GS.TS. Nguyễn Văn Nội đưa TS Bùi Quang Ngọc đi tham quan phòng truyền thống của nhà trường.

TS Bùi Quang Ngọc cũng cho biết thêm, hiện FPT có hệ thống những khách hàng lớn của Việt Nam và thế giới, thường xuyên ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào bài toán kinh doanh. Đó là mảnh đất mà các thầy và trò của trường có thể cùng FPT khai thác tốt trong công tác nghiên cứu, đào tạo.

"Môi trường FPT cũng là nơi hỗ trợ rất tốt cho đề tài tốt nghiệp của sinh viên. Các em sẽ được giải bài toán thực tế đồng thời kết hợp với mô hình toán học, từ đó tạo ra những bản luận văn có giá trị. Qua đó, sinh viên được tôi luyện tay nghề nhất định, đồng thời được làm quen với môi trường làm việc công nghiệp trước khi chính thức tham gia vào thị trường lao động", TS Ngọc nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho tập đoàn nói riêng cũng như thị trường lao động công nghệ cao Việt Nam, FPT đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo sinh viên như chuỗi chương trình FPT Leader Talk; các cuộc thi dành cho sinh viên công nghệ như S.M.A.C Challenge, Cuộc đua số; các chương trình liên kết với các trường đại học nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn doanh nghiệp cho sinh viên như: FPT Tour (sinh viên đến FPT thăm quan, tìm hiểu môi trường làm việc thực tế), Open Day (ngày hội hướng nghiệp tuyển dụng)…

Mỗi năm FPT cần tuyển dụng khoảng 5.000 người, ở nhiều vị trí, từ sinh viên thực tập, quản lý tới lãnh đạo cấp cao trong các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế... FPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội và ký kết hợp tác với các trường đại học khối Công nghệ trên toàn quốc.