Tập đoàn thiết bị làm sạch Kärcher của Đức vừa làm sạch cổng Ngọ Môn thuộc Kinh thành Huế bằng máy phun rửa áp lực trong tháng 3/2019 và chính thức bàn giao công trình vào ngày 26/4 cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Quá trình làm sạch các bức tường phủ rêu mốc của Kinh thành Huế
Quá trình làm sạch các bức tường phủ rêu mốc của Kinh thành Huế

Khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, nhiều mưa trong hàng thập kỷ đã dẫn đến rêu mốc sinh trưởng, che phủ màu sắc rực rỡ của các bức tường thành và làm giảm mỹ quan mặt tiền trong thời gian dài. Các chuyên gia dọn dẹp của Kärcher sử dụng máy phun rửa áp lực để làm sạch lớp gạch đá bề mặt trong vòng 15 ngày, trả lại diện mạo nguyên sơ cho công trình. Kỹ thuật này đã được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sử dụng trong các đợt trùng tu, bảo tồn sau.

Kinh thành Huế là tòa thành thuộc triều đại Nguyễn, được vua Gia Long xây dựng trong thời gian 1805-1832 theo mô hình Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và được UNESCO công nhận là Di sản Văn Hóa Thế giới từ năm 1993.

Những thách thức của việc làm sạch

Kinh thành Huế, cũng như nhiều công trình kiến trúc lịch sử khác trên thế giới, trải qua một quá trình lão hóa tự nhiên, hình thành một lớp rỉ patina ngày càng dày. Đối với người dân Việt Nam, di sản văn hóa này có ý nghĩa đặc biệt, do đó đòi hỏi cách tiếp cận đặc biệt cẩn trọng để bảo tồn các giá trị cả về mặt vật chất và tinh thần.

"Việc làm sạch sẽ đảm bảo không làm mất đi phong thái ban đầu của kinh thành mà còn góp phần giúp các thế hệ tương lai có cơ hội thấy và trải nghiệm vẻ đẹp của nó", Thorsten Möwes, kỹ sư làm sạch tại Kärcher và là người chịu trách nhiệm thực hiện dự án tại Hoàng thành Huế, cho biết

Kärcher sẽ chuyển giao lại kỹ thuật và máy móc cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sử dụng trong các đợt trùng tu, bảo tồn sau.
Kärcher đã chuyển giao kỹ thuật và máy móc cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sử dụng trong các đợt trùng tu, bảo tồn sau.

Các dụng cụ được sử dụng tạo ra hơi nước nhẹ ở áp suất bề mặt 0,5 - 1 bar với nhiệt độ 100°C. Bốn thiết bị bơm áp suất cao được sử dụng để tạo hơi nước nóng nhằm loại bỏ các lớp tảo, rêu, nấm, địa y và vi khuẩn trên mặt tường. Quá trình này hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, nhưng vẫn có khả năng làm chậm lại sự phát triển sinh vật mới trên bề mặt tường do nhiệt độ hơi nước cao phá hủy gần hết các bào tử cư trú sâu bên trong khe hốc.

"Làm sạch bằng hơi nước nóng là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất để có thể bảo tồn các kết cấu công trình giàu chất khoáng, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới như Huế”, bà Andrea Teufel, 58 tuổi, chuyên viên bảo tồn di sản của Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa Đức (CPCE) tại Huế, chia sẻ.

Dự án làm sạch quần thể di tích cố đô Huế nằm trong chuỗi chương trình Tài trợ văn hóa của Kärcher. Kể từ năm 1980, tập đoàn đã phối hợp cùng các chuyên gia về sử học và nghệ thuật để làm sạch hơn 140 di tích lịch sử nổi tiếng trên thế giới, bao gồm Quảng trường St Peter tại Thành phố Vatican; Tượng Chúa Cứu Thế tại Rio De Janeiro (Brazil); Gương mặt các vị tổng thống trên Núi Rushmore (Mỹ) và Nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm - Berlin (Đức).