UBND TPHCM vừa gia hạn thời gian thực hiện dự án sản xuất 300 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) đến năm 2017.

Xe buýt chạy bằng khí CNG tại TPHCM - Ảnh: Văn Nam
Xe buýt chạy bằng khí CNG tại TPHCM - Ảnh: Văn Nam

Thời gian đóng 300 chiếc xe buýt CNG được chính quyền thành phố lên kế hoạch 2013 - 2015, tuy nhiên đến nay con số xe buýt sạch được sản xuất và hoạt động chỉ khoảng trên dưới 20 chiếc.

Hai năm trước, chính quyền thành phố lên kế hoạch đóng 300 xe buýt CNG giai đoạn 2013 – 2015 với tổng chi phí gần 165 tỉ đồng, đơn vị thực hiện là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco).

“Trong tháng 8 vừa qua, phía tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc vừa hoàn tất việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật đóng xe buýt khí CNG cho Samco. Theo đó dự kiến từ tháng 10 tới Samco sẽ bắt tay vào sản xuất dòng xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch để kiểm định, cung cấp ra thị trường theo chương trình đóng 300 xe buýt khí CNG mà thành phố đề ra. Ngoài số lượng 300 chiếc này, Samco còn dự định sẽ sản xuất thêm để xuất khẩu xe buýt khí CNG theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc”, đại diện Samco cho hay.

Theo đại diện Samco, một trong những trở ngại để phát triển xe buýt CNG phục vụ giao thông công cộng tại thành phố là chi phí mua xe buýt CNG cao hơn nhiều so với xe buýt sử dụng dầu diesel, thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư kéo dài. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa để mạnh để nhà đầu tư thấy có lợi khi đầu tư xe buýt CNG.

Chính bản thân Samco là đơn vị được giao sản xuất xe buýt CNG cũng gặp một số khó khăn mặc dù Chính phủ đã có chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với các linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất xe buýt CNG, tuy nhiên, khi SAMCO nhập khẩu nguyên bộ khung gầm động cơ Hyundai (Hàn Quốc) về thì hải quan nói rằng chỉ những linh phụ kiện nào mà trong nước chưa sản xuất được thì mới được miễn thuế. Cuối cùng, Samco phải bỏ tiền đóng thuế nhập khẩu hơn 100 triệu đồng cho mỗi bộ khung gầm động cơ nhập khẩu, khiến cho giá thành xe CNG sản xuất bị đội lên khá cao.

Hiện nay nhiều nhà đầu tư kinh doanh vận tải rất mong muốn được hỗ trợ trực tiếp tiền khi mua xe CNG, hỗ trợ vốn, lãi vay, ổn định luồng tuyến vận tải hành khách công cộng trong dài hạn để nhà đầu tư an tâm khi bỏ vốn ra đầu tư phương tiện.

Mục tiêu của việc phát triển xe buýt sạch nhằm giảm thiểu ô nhiểm môi trường đô thị từ việc phát thải của phương tiện vận tải cơ giới, tiết giảm chi phí nhiên liệu trong vận hành xe buýt thành phố, thay thế dần các xe buýt đã hư hỏng, xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện mỹ quan đô thị thành phố.

Kết quả tính toán của các chuyên gia giao thông, xe buýt CNG phần nào giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nhiên liệu khoảng 30% so với chạy dầu diesel. Cụ thể, xe sử dụng dầu diesel chạy 100 km tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi đó sử dụng khí CNG tốn khoảng 340.000 đồng. Tuy nhiên, chí phí đầu tư mua xe buýt CNG cao hơn xe buýt chạy dầu diesel khoảng trên 1 tỉ đồng mỗi chiếc.

CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane (CH4) được lấy từ các mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250 atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo, nên khi đốt, CNG không giải phóng nhiều khí độc như NO, CO..., và hầu như không phát sinh bụi. Ngoài ra, CNG cũng không gây đóng cặn tại bộ chế hòa khí, do đó kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng động cơ và khi cháy không tạo màng.