Năm nay, lượng hoa mai, hoa lan ở thành phố giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã cận kề, hàng ngàn hộ nông dân trồng hoa ở các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đang tất bật chuẩn bị hàng bán ra thị trường. Năm nay, lượng hoa mai, hoa lan ở thành phố giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi.

Tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức diện tích trồng hoa mai giảm mạnh so với năm ngoái. Chỉ tính riêng 2 phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh của quận Thủ Đức đã có hơn 10.000 chậu mai bị ngập nước chết hoặc không nở đúng dịp Tết.

tphcm chuan bi hoa cay canh cho tet nguyen dan hinh 1

Những người trồng hoa lâu năm ở đây cho biết, nếu thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, mỗi chậu hoa mai sẽ bán được 250.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này họ còn chưa biết vườn hoa của mình có nở đúng dịp Tết không, vì thời tiết năm nay không thuận lợi.

Bà Trần Thị Mến, chủ vườn mai hơn 1.000 gốc ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức nói: "Tôi trồng mai liếp này thì người ta vào vườn mua chỉ 250.000 đến 300.000 đồng một cây. Năm nay thương lái họ sợ thời tiết họ chưa dám đi mua nữa, chứ như mọi năm, giờ này là tôi bán được nhiều rồi".

Trong khi đó, những người buôn bán hoa, cây cảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh thì lo lắng dịp Tết này sẽ không mua được hàng. Những huyện trồng nhiều hoa, cây cảnh là Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh hiện giảm khoảng 20% so với Tết năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Đại, người buôn bán hoa Tết nhiều năm ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi cho biết: "Giá cả mình lấy về bán không cao hơn năm ngoái, nhưng hiện giờ hoa khan hiếm, không có hàng để lấy. Có khả năng vào những ngày giáp tết thì hàng khan hiếm, giá có thể sẽ nhích lên".

Tại huyện Củ Chi, nơi có diện tích đất sản xuất lên đến 25 ngàn héc ta, với hệ thống thủy lợi, giao thôngthuận lợi nhưng người trồng hoa Tết ở đây cũng không dám mở rộng diện tích do lo ngại thời tiết và giá cả bấp bênh. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất, hình thành vùng chuyên canh hoa, cây cảnh tiến tới hình thành chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết: "Trong vài ba năm trở lại đây, chúng tôi chuyển dịch sang trồng hoa lan, đặc biệt là lan Mokara cắt cành để cung cấp cho thị trường thành phố. Diện tích trồng hoa lan ở Củ Chi hiện đã có gần 185 ha. Trong định hướng đến 2020 thì Củ Chi sẽ phát triển gấp đôi, gấp 3 diện tích này".

Nghề trồng hoa Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh tuy mang lại hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Những hộ gia đình có ít vốn và kinh nghiệm chỉ có thể đầu tư sản xuất nhỏ lẻ. Nhiều gia đình có đất rộng nhưng cũng xé lẻ trồng nhiều loại hoa như: Mai chiếu thủy, Tắc, Khế, Mào gà, Hướng dương… với suy nghĩ nếu không được loại này thì có loại hoa kia kéo lại.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân nhằm áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết người trồng hoa, cây cảnh ở các huyện ngoại thành chưa tiếp cận được nguồn vốn này mà vẫn làm theo kiểu tự phát. Cứ thấy thị trường chuộng loại hoa nào thì họ đổ xô trồng loại hoa ấy. Vì vậy sau mỗi mùa hoa tết, người nông dân không biết sang năm sẽ trồng cây gì.

Ông Võ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Do đặc thù Thành phố Hồ Chí Minh là nơi sử dụng nhiều hoa, cây kiểng. Theo tôi, việc cần làm ngay là phải định hướng phát triển hoa, cây cảnh theo từng vùng để phát huy lợi thế đất đai của thành phố. Quy mô sản xuất phải cân đối để không làm sản phẩm bị dư thừa hay bị thiếu, dẫn đến tình trạng mất cân đối của thị trường".

Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa và cây cảnh của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1.600 ha, trong đó khoảng 1.200 ha phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Riêng loại hoa được người dân Nam bộ ưa chuộng trong dịp Tết là hoa Mai chỉ có hơn 1,4 triệu chậu, giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Trong bối cảnh nguồn cung cấp hoa từ các tỉnh miền Trung bị giảm đáng kể do lũ lụt, nhiều khả năng hoa, cây cảnh dịp Tết này ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khan hiếm.