Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8 đạt 947,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán năm.

Như vậy, ngân sách vẫn duy trì thặng dư khoảng 83 nghìn tỷ đồng sau 8 tháng của năm 2021.

Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 67,3%; thu ngân sách địa phương đạt 74,4%, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021cho biết.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: Báo Thái Nguyên
Nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: Báo Nhân dân

Tính riêng TP HCM, theo báo cáo của Tổng cục thống kê TP HCM, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 ước tính hơn 255 nghìn tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp tư nhân rất cần được hỗ trợ để trụ lại và vượt lên sau dịch COVID-19. Nguồn: Báo Chính phủ
Doanh nghiệp tư nhân rất cần được hỗ trợ để trụ lại và vượt lên sau dịch COVID-19. Nguồn: Báo Chính phủ

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giảm

Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,93 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, TP HCM chiếm 28%

Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có gần 11 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 18,1%; 140 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 16,7%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có hơn 4.500 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.400 doanh nghiệp; xây dựng có gần 1.100 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác - hơn 730 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống - 700 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác - 624 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản - 611 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi - 540 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 404 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông - 380 doanh nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản - 273 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas - 262 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Riêng TP HCM có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngoài ra, tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.