Diễn ra ngày 25/2 tại Hà Nội, cuộc họp lần thứ hai Ban chỉ đạo Tổ chức năng suất châu Á (APO) đã thảo luận những nội dung mới trong chiến lược mới đến năm 2025.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại cuộc họp. Nguồn: vietq

Trước đó, cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo diễn ra vào ngày 9/7/2019 ở Tokyo.

Trong cuộc họp lần thứ hai tại Hà Nội, ông Woon Kin Chung, chuyên gia của APO, đã công bố tầm nhìn mới của APO: “tăng trưởng năng suất toàn diện hơn, dẫn đầu về đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025”.

“Hai từ khóa ở đây là ‘toàn diện’ và ‘dẫn đầu về đổi mới sáng tạo’, trong đó ‘toàn diện’ thể hiện nhiều thành phần trong nền kinh tế sẽ cùng tham gia vào quá trình nâng cao năng suất của quốc gia, và năng suất sẽ tăng trưởng đồng đều giữa các thành phần. Từ khóa thứ hai nhằm nhấn mạnh đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính trong tăng trưởng của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Woon Kin Chung giải thích.

Dựa trên tầm nhìn này, APO đã đưa ra chiến lược mới với 3 mục tiêu chính: (1) nâng cao năng suất bền vững; (2) thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; (3) cam kết toàn diện và phát triển thịnh vượng chung. “Các mục tiêu này đại diện cho kết quả chung của tất cả các nước thành viên. APO sẽ có chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và cung cấp các hình thức hỗ trợ kỹ thuật khác nhau”, ông Woon Kin Chung nói.

Những hoạt động chính sẽ triển khai trong chiến lược bao gồm:

- Nâng cao năng lực và thúc đẩy thực hiện chuẩn đổi sánh (benchmarking - hoạt động so sánh
những quá trình và số liệu về hiệu suất (performance metrics) của một doanh nghiệp với những doanh nghiệp xuất sắc nhất cũng như có thể dễ dàng học hỏi được nhất trong cùng một
ngành);

- Tăng cường áp dụng những công nghệ kỹ thuật số thế hệ mới;

- Tiếp tục thúc đẩy năng suất xanh (Green productivity - sản phẩm và quy trình sản xuất theo
hướng thân thiện với môi trường);

- Tăng cường vai trò tư vấn để hỗ trợ giải quyết các vấn đề năng suất của các thành viên;

- Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược cả bên trong và bên ngoài.

Nội dung cụ thể về triển khai chiến lược sẽ được thảo luận trong các buổi làm việc tiếp theo của APO, dự kiến kéo dài đến hết ngày 27/2/2020.

Những nội dung chính trong tầm nhìn và chiến lược mới của APO cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược thúc đẩy năng suất của Việt Nam, trong đó có Nghị quyết 01/NQ01-CP và Chỉ thị 07/CTTg giao cho Bộ KH&CN phối hợp với APO xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, xây dựng đề án Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo để trình APO phê duyệt trong năm 2021. “Đây là những nhiệm vụ quan trọng và chúng tôi rất mong APO sẽ hỗ trợ để triển khai trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nói.

APO là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nâng cao năng suất; thành lập từ năm 1961 và đến nay có 20 thành viên. Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia, năm 1996, Việt Nam đã gia nhập APO.

Với mục tiêu hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất và tăng cường hiệu quả hoạt động của APO, các nước thành viên APO đã thành lập Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật để xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025.