Vào năm 2018, các nhà khoa học đã tìm thấy các mảnh vụn nhựa tại điểm sâu nhất trên Trái đất, Rãnh Mariana. Mới đây, một nhóm nghiên cứu lại tìm thấy ô nhiễm vi nhựa trong tuyết gần đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, cho thấy con người đã gây ô nhiễm nhựa toàn bộ hành tinh.

Từ lâu đã có những lo ngại về việc xả rác trên Everest, nhưng nghiên cứu mới là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ô nhiễm vi nhựa, có kích thước nhỏ hơn 5mm. Các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa trong tất cả các mẫu tuyết được thu thập từ 11 địa điểm trên đỉnh Everest, có độ cao từ 5.300 mét đến 8.440 mét.

Hình minh họa. Nguồn:National Geographic

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí One Earth đã phân tích các mẫu được thu thập bởi một đoàn thám hiểm của National Geographic vào năm 2019. Các nhà khoa học đã tìm thấy trung bình 30 hạt vi nhựa trên một lít nước trong các mẫu tuyết và 119 hạt mỗi lít đối với các mẫu bị ô nhiễm nhiều nhất.

Nồng độ vi nhựa cao nhất được tìm thấy xung quanh một điểm nghỉ chân của những người leo núi. Các nhà khoa học cho biết vi nhựa rất có thể đến từ quần áo, lều và dây thừng của những người leo núi. Ngoài ra, những phát hiện khác gần đây về ô nhiễm vi nhựa ở dãy núi Alps ở Thụy Sĩ và dãy núi Pyrenees của Pháp cho thấy các hạt vi nhựa cũng có thể bị gió cuốn đến từ những vùng xa hơn.

Imogen Napper, tại Đại học Plymouth, trưởng nhóm nghiên cứu tìm thấy vi nhựa trên Everest, cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi tìm thấy vi nhựa trong mọi mẫu tuyết mà tôi phân tích. Đỉnh Everest là nơi mà tôi luôn coi là xa xôi và hoang sơ. Thật ngạc nhiên khi biết chúng ta đang gây ô nhiễm đỉnh của ngọn núi cao nhất thế giới."

"Vi nhựa rất phổ biến trong môi trường, đã đến lúc tìm các giải pháp môi trường thích hợp," Napper nói.

Napper cho biết cần giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các loại rác thải nhựa lớn, vì chúng có thể bị phân hủy thành vi nhựa khi thải ra môi trường. Trong công trình trước đây của mình, Napper đã phát hiện ra rằng mỗi chu kỳ của một chiếc máy giặt có thể thải ra 700.000 sợi nhựa siêu nhỏ, và những chiếc túi nhựa được cho là có thể phân hủy sinh học vẫn còn nguyên vẹn sau ba năm trong môi trường tự nhiên.

Hàng triệu tấn nhựa bị thất thoát ra môi trường mỗi năm, mang theo chất phụ gia độc hại và mang theo vi khuẩn có hại vào môi trường. Nhựa cũng có thể gây thương tích cho động vật hoang dã nếu chúng nuốt phải. Con người cũng tiêu thụ vi nhựa thông qua thực phẩm, nước và không khí, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết vi nhựa có tác động thế nào đến sức khỏe con người.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2020/nov/20/microplastic-pollution-found-near-summit-of-mount-everest