Khác với các "chợ" thông thường, "chợ" này rất đặc biệt. Cả người mua và người bán đều quan tâm đến công nghệ. Vì vậy ngay cả cách tiếp thị, bán hàng cũng thật đặc biệt.

Ảnh: Nhật Loan
Ảnh: Nhật Loan
Hàng đặc biệt, cách bán cũng đặc biệt
Là một trong những đơn vị tham gia chợ nhiều năm, GS-TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - đã chia sẻ nhiều điều thú vị.
GS Tuất cho biết, trong 5 năm vừa qua viện đã chuyển giao gần 10 tiến bộ và kỹ thuật, chuyển giao công nhệ đạt giá trị khoảng 40 tỉ đồng về các giống mới...
Theo ông Tuất, khác với các chợ thông thường, tại techmart để có thể bán được hàng, chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật đòi hỏi người bán khi “bán hàng” phải đi kèm được gói kỹ thuật kèm theo chứ không đơn giản chỉ giới thiệu giống mới mà không biết được trồng ở đâu, phù hợp với cái gì và điều gì cần chú ý. Điều này phải nắm chắc để tránh rủi ro cho người sản xuất.
Ngoài ra, cũng phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhu cầu doanh nghiệp và sự gắn kết giữa các viện thành viên - mà ở đây là Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu ngô, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và các công ty, doanh nghiệp...
“Khi các giống, tiến bộ kỹ thuật đưa vào sản xuất phải đáp ứng được các yêu cầu thị trường về giống lúa chất lượng cao. Phải tìm hiểu doanh nghiệp, tăng cường hội nghị đầu bờ, hội thảo khoa học để giới thiệu nghiên cứu khảo nghiệm giống. Yêu cầu nhà khoa học phải bám sát các giống có triển vọng và phải xem xét khả năng tồn tại để khắc phục, hoàn thiện công nghệ” - GS Nguyễn Văn Tuất cho biết.
Ông Tuất cho rằng, hội chợ Techmart hằng năm rất quan trọng đối với các nhà KH&CN, những người yêu thích sáng chế bởi đây là cơ hội để có thể quảng bá kết quả nghiên cứu của mình, đưa ứng dụng vào thực tiễn.
“Đây là hội chợ rất đặc biệt - hội chợ của những người phải hiểu và yêu công nghệ. Tại hội chợ cũng đòi hỏi người bán nắm được những yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây cũng là nơi liên kết 4 nhà thông qua hội chợ được thể hiện rõ hơn. Hội chợ tuy mang tính chất KH&CN cao, nhưng nhiều người dân cũng tham dự. Tại đây, tính lan tỏa thông qua đối tác rất nhanh nên mang tính bền vững, có ý nghĩa giúp cho doanh nghiệp cũng như người sản xuất tiếp cận với công nghệ” - GS Nguyễn Văn Tuất đánh giá.
Cũng chung quan điểm này, nhà sáng chế Trịnh Đình Năng - tác giả của lò đốt rác thải y tế và công nghệ chiết xuất thành công curcumin nano tinh khiết đạt hàm lượng 95-98%, là tỷ lệ chiết xuất cao ở Việt Nam - đánh giá cao việc tổ chức techmart.
“Đây là nơi giao lưu của đông đảo các nhà khoa học và những người quan tâm đến công nghệ nên sản phẩm giới thiệu tại đây phải được làm rõ, tính ứng dụng cao thì mới mang lại hiệu quả và sức hút cho người mua” - ông Năng cho biết.
Tuy nhiên ông Năng cũng thừa nhận, tại chợ này thường là những sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp nhiều nên cũng không phải dễ bán hàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng tại techmart, ông Năng cho biết: “Thông thường, những sản phẩm cùng loại của nước ngoài rất cạnh tranh với các hàng trong nước. Vì vậy ngoài chất lượng, các nhà nghiên cứu, chế tạo trong nước phải rất vất vả để chứng minh cho khách hàng của mình thấy được ưu điểm của việc lựa chọn sản phẩm trong nước, đó là giá thành vô cùng cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng không phải điều dễ dàng vì đa phần các sản phẩm công nghệ trong nước không có thương hiệu như nước ngoài” .
GS Tuất thì cho rằng thông qua techmart, các vấn đề khó khăn, giải pháp sẽ được phân tích cụ thể giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, đồng thời cũng có nhiều nhà làm chính sách tham gia.
“Điều này rất quan trọng và không chỉ đơn thuần là kỹ thuật thuần túy. Nhà sáng chế, chọn giống đều thấy không chỉ mang sản phẩm, công nghệ đến để bán mà cũng là nơi tạo cơ hội để tác giả công bố vấn đề nghiên cứu, chịu trách nhiệm trước xã hội và người sản xuất về những kết quả nghiên cứu của mình. Qua đây, cũng sẽ phát hiện thêm nhu cầu của cuộc sống để tiếp tục hiệu chỉnh công tác nghiên cứu cho phù hợp” - GS Tuất nhìn nhận.
Ghi nhận từ các con số
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ Việt Nam, trong 10 năm qua (2003-2013) techmart đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình tạo lập và phát triển thị trường công nghệ. Sự tăng trưởng số lượng và giá trị hợp đồng ký kết tại các kỳ techmart Việt Nam khẳng định công nghệ trong nước có tính cạnh tranh và thực sự trở thành hàng hoá.
Theo bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, thông qua techmart, hoạt động chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh, thuận lợi hơn rất nhiều.
Cụ thể, thông qua các báo cáo về giá trị giao dịch của các kỳ techmart tại lĩnh vực điện - điện tử - tự động hóa - năng lượng, đã có 60 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được thực hiện.
Lĩnh vực cơ khí cũng “bán” được nhiều sản phẩm. Như doanh nghiệp tư nhân Cơ khí nông nghiệp Minh Thành - chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất máy nông nghiệp. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp máy tẽ bắp nguyên vỏ (tại Techmart 2009) cho Sơn La với giá trị hợp đồng là 750 triệu đồng; máy tẽ bắp lai nguyên vỏ với giá trị hợp đồng là 42 tỷ đồng (35 triệu đồng x 1.200 máy).
Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty đã ký hợp đồng cung ứng thiết bị gồm 8 bộ máy đúc gạch không nung trị giá 240 triệu đồng.
Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam đã ký kết được nhiều hợp đồng với nội dung chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, phát triển sản phẩm mới, hợp tác nghiên cứu với bên mua cho các thiết bị, công nghệ với tổng giá trị ký kết hợp đồng là 1,7 tỷ đồng và tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn so với năm trước.
Các lĩnh vực khác cũng ghi nhận gặt hái nhiều thành công thông qua các techmart.
Tuy nhiên theo bà Vân, qua khảo sát tại các đơn vị tham gia techmart có 14% số đơn vị đánh giá điều kiện triển khai các hợp đồng và biên bản ghi nhớ là rất thuận lợi. 28% đơn vị đánh giá là thuận lợi.
“Đây là một kết quả chưa được khả quan lắm. Nó cho thấy đơn vị tổ chức techmart cần phải có nhiều hoạt động kết nối cung - cầu nữa để việc chuyển giao công nghệ, thiết bị được thuận lợi hơn” - bà Vân cho biết.
Các khó khăn cũng được các đơn vị nêu rõ, có tới 57% số đơn vị đánh giá việc triển khai hợp đồng, biên bản ghi nhớ đã ký kết tại các kỳ techmart là khó khăn. Nguyên nhân ở đây là việc thiếu vốn, thiếu nhân lực triển khai và thiếu thị trường.
Theo bà Vân, hiện nay những vấn đề này đang được giải quyết. Với việc ra đời nhiều quỹ đầu tư như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cùng với nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn khác của Nhà nước, vấn đề thiếu vốn đang dần được khắc phục.
Vấn đề thiếu nhân lực cũng đang được khắc phục khi thị trường lao động nước ta đang có xu hướng tăng lên về chất lượng.
Vấn đề thiếu thị trường được giải quyết bằng cách Nhà nước đang tìm cách mở rộng các thị trường cũ và tìm kiếm các thị trường mới để tạo điều kiện cho xuất khẩu.
Bà Vân cho biết: Các đơn vị có mong muốn được đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ là có thật, nhưng từ mong muốn đến thực tế lại là một khoảng thời gian rất dài bởi hoạt động này không thể bỏ tiền ra mua là được.
Nó còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ tiếp nhận công nghệ của đơn vị; năng lực, trình độ của cán bộ được chuyển giao công nghệ…
Thực tế cho thấy, từ techmart quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (Techmart Vietnam 2003) cho đến nay, hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ đã có những bước khởi sắc đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, thị trường công nghệ nước ta chủ yếu vẫn là tìm kiếm mua bán máy móc thiết bị, chưa có nhiều các giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền sáng chế... Dù hiện nay, ngay trong các kỳ techmart có rất nhiều nhu cầu về chuyển giao công nghệ thiết bị, nhưng đa số chỉ dừng ở mức tìm hiểu và khảo sát thông tin.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ nội sinh thường được các đơn vị đặt lên bàn cân, so sánh với những đơn vị cung cấp ở nước ngoài.
Nếu như không có những thông tin cụ thể, ưu điểm vượt trội, tư vấn thiệt hơn, sản phẩm trong nước sẽ khó có cơ hội cạnh tranh dù chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hoặc tương đương và điều kiện bảo hành - bảo trì tốt hơn hẳn các thiết bị ngoại nhập.
Với mong muốn góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ sôi động và khởi sắc hơn, bà Vân cho biết với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đang từng bước nỗ lực để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hơn nữa.
Cụ thể, tạo điều kiện, môi trường (như techmart) cho các nhà khoa học đưa sản phẩm đã nghiên cứu thành công giới thiệu, trưng bày, tiếp cận thị trường, các đơn vị có nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị đến techmart tìm kiếm thông tin, cơ hội và đối tác, tạo sự kết nối giữa người mua và người bán một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.