Mục tiêu của luyện “gà nòi” là thành tích của thầy, nhà trường, phụ huynh chứ không phải là sự phát triển của học sinh.


Sáng Chủ nhật (20-12), trong khuôn khổ chương trình ngày hội Toán học mở tại hội trường tầng 10 của ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề “Chuyên toán đi về đâu?” với sự tham gia của GS Trần Văn Nhung, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, PGS Phan Thị Hà Dương, GS-TS Nguyễn Khắc Minh và TS Trần Nam Dũng...

Luyện “gà nòi” vì thành tích

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đã đưa ra các dẫn chứng, lập luận để phân tích và trả lời cho câu hỏi “Những nhà toán học đỉnh cao, họ là ai? Phải chăng họ là những cựu học sinh chuyên toán?”. PGS Phan Thị Hà Dương lại chú ý đến đặc điểm học để thi và thi gì học nấy của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Bài viết này xin được đề cập đến một khía cạnh nhỏ của vấn đề: Có hay không chuyện luyện “gà nòi”?

Luyện “gà nòi” ở đây được hiểu là được chăm chút, luyện các chiêu thức để đi đá, thi đấu. Kết quả thi đấu là quan trọng vì liên quan đến thắng thua, đến tiền cược của chủ nhân. Còn sức khỏe và sự phát triển sau này của “chú gà” thì không mấy quan trọng. Liên tưởng đến vấn đề đào tạo học sinh giỏi, luyện “gà nòi” là cách dạy các chiêu thức, các cách giải độc đạo, bắt tủ để đạt được thành tích cao nhất trong một cuộc thi cụ thể. Mục tiêu là thành tích của thầy, của trường, của phụ huynh chứ không phải là sự phát triển vững chắc và lâu dài của học sinh.

Nếu luyện “gà nòi” được hiểu theo nghĩa này thì rõ ràng luyện “gà nòi” là không cần và không nên.

Nhưng tại sao ta biết thế mà tình trạng luyện “gà nòi” vẫn diễn ra? Đó đơn giản là do áp lực thành tích. Người thầy giáo đôi khi biết dạy như thế là phản sư phạm là áp đặt là chiêu trò nhưng vẫn buộc phải làm như thế để có thành tích làm “an lòng” lãnh đạo và phụ huynh. Chính vì thế mà có người thầy có thành tích đầy mình sau này lại đánh giá lại sự nghiệp của mình bằng điểm âm. Tất nhiên, cũng không ít những thầy cô xây dựng, đánh bóng tên tuổi của mình bằng các thành tích ấy.

TS Trần Nam Dũng (bìa phải) đang nói chuyện với các học sinh chuyên toán. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cách đây chừng 10 năm, trong một buổi trà dư tửu hậu với phụ huynh, các anh cũng có ý nói năm nay thành tích học sinh giỏi của lớp chưa được tốt. Tôi có nói là việc phát triển cho các cháu phải tính đến định hướng lâu dài. Các anh nói: “Thực sự chúng tôi cũng nghĩ thế nhưng dù sao có thành tích vẫn hơn, thầy ạ!”. Năm sau thành tích của học sinh lớp này may mắn được cải thiện (nhiều em đạt giải quốc gia, em Trần Chiêu Minh được dự thi toán quốc tế). Nhưng điều mà tôi vui mừng hơn là sau này tất cả các em đều phát triển rất tốt dù nhiều em thậm chí không lọt vào đội tuyển trường.

Một điều đáng lo ngại nữa là chất lượng các đề thi ở các cấp độ vòng tỉnh, vòng trường không được tốt: Một là các bài toán được lấy ở đâu đó, hai là các bài toán được sáng tác một cách cẩu thả, dùng những ý tưởng vụn vặt. Để đối phó sẽ có cách học tương ứng là học tủ và học các chiêu thức vụn vặt. Cả hai cách học này đều không có lợi ích gì cho sự phát triển sau này của học sinh.

“Chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”

Ngày xưa, các thầy của chúng tôi dạy chúng tôi những điều rất căn bản, rèn chúng tôi những kỹ năng xử lý vấn đề, cách thức tiếp cận bài toán. Cho nên đến khi làm được bài này, bài kia, cũng không biết được là điều đó ai đã dạy cho mình.

Có thể không dạy kiểu luyện “gà nòi” sẽ ảnh hưởng đến thành tích của học sinh, của trường, ảnh hưởng đến nguyện vọng của phụ huynh. Nhưng tôi vẫn luôn kiên định như vậy. Suy cho cùng, dạy học sinh là dạy cho chúng cách học chứ không phải là dạy để chúng có được những thành tích nhất thời.

Làm thế nào để tránh được kiểu dạy “gà nòi”? Theo PGS Phan Thị Hà Dương, chúng ta phải bớt bệnh thành tích đi và phải khôi phục lại các lớp chuyên toán cấp 2, có sự đầu tư thích đáng để có thể phát hiện, bồi dưỡng các em có năng khiếu từ lứa tuổi cấp 2 chứ không phải dồn vào một, hai năm cấp 3. Các thầy cô chuyên toán cũng phải được bồi dưỡng bài bản để không “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng” để có thể không những giải được bài toán cụ thể đó mà còn dẫn dắt học sinh trên con đường đến với lời giải, nhìn thấy được vẻ đẹp của toán học và giúp học sinh vươn xa hơn.

Và vấn đề đào tạo chuyên toán cũng không chỉ dừng lại ở các cuộc thi học sinh giỏi mà đỉnh cao là kỳ thi toán quốc tế. Nếu tầm nhìn của ta chỉ đến đó thì quả thật là một mục tiêu ngắn hạn và sẽ hết sức lãng phí. Mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra những người giỏi trong nhiều lĩnh vực không nhất thiết phải là toán, để giúp cho sự phát triển của đất nước, của xã hội.

Thế giới có trường chuyên, lớp chọn hay không? Họ có các trường phổ thông đặc biệt. Các trường phổ thông đặc biệt tốt của họ thường có học phí rất cao, không có lớp dạy học trò chuyên về một môn nào như ta cả. Còn các đại học hàng đầu thế giới như Princeton, MIT, Harvard… của Mỹ, École Normale Supérieure của Pháp, Cambridge, Oxford của Anh, Bonn, Göttingen của Đức, Tokyo, Kyoto của Nhật đương nhiên chính là các trường chuyên. Nhưng đó là các trường đại học. Ở cấp độ đại học, việc nên hay không nên “luyện gà chọi” tự nó trở nên vô nghĩa.

GS-TS NGUYỄN HỮU VIỆT HƯNG,
ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội