Sau vòng chung kết quốc gia, 3 đội mạnh nhất sẽ đại diện startup Việt Nam đi tham dự vòng chung kết VietChallenge 2019 toàn cầu tại thành phố Boston – Mỹ vào tháng 9/2019.

Chung kết quốc gia VietChallenge 2019
Ban tổ chức tặng hoa cho 7 đội tham dự vòng Chung kết quốc gia VietChallenge 2019. (Ảnh: QĐND)

Kết nối các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo người Việt trên toàn cầu

Cuộc thi khởi nghiệp VietChallenge tổ chức bởi Hội thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội, là cuộc thi khởi nghiệp thường niên cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại các quốc gia trên thế giới với mục tiêu mở rộng tầm nhìn, thị trường và nguồn vốn đầu tư cho startup Việt Nam.

Đây được coi là một trong những cuộc thi uy tín, định hướng trở thành chương trình có tỷ lệ sinh tồn của startup cao nhất Việt Nam.

Kể từ năm 2018, chương trình có sự đồng hành cùng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cũng như có sự tham gia của rất nhiều các tổ chức chính trị - xã hội uy tín khác ngay từ những ngày đầu tổ chức vào năm 2015 như Viettel, Vingroup, VietJet Air, Quỹ Startup Vietnam Foundation, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA,…

Tại Vòng chung kết quốc gia diễn ra vào ngày 28/6 vừa qua, 7 đội đã trình bày bằng tiếng Anh về mô hình kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường và kêu gọi vốn đầu tư, quản lý tài chính, nhân sự...trước các giám khảo uy tín là các đại diện trong và ngoài nước từ mạng lưới nhà đầu tư thiên thần TiE Boston Angels, trường Kinh doanh Harvard, Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, Ngân hàng Silicon Valley, chương trình Zone Startups Vietnam,...

Tại vòng chung kết quốc gia ngày 28/6, ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội Emmay, giải Nhì cho đội Smilee, giải Ba cho đội Medlink và giải khuyến khích cho đội Tububd. Các độisẽ tham gia tranh tài tại Vòng chung kết quốc tế diễn ra tại Boston, Hoa Kỳ vào tháng 9 cùng các startup của người Việt ở nước ngoài khác.

Trong suốt 03 tháng tham gia cuộc thi, các đội thi gần như trải qua một quá trình ươm tạo khởi nghiệp với hơn 70 cuộc gặp 1-1 cùng hàng chục cố vấn, tạo cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp được học hỏi và thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nhìn lại 07 đội tham dự Vòng chung kết của chương trình là Wicare, Emmay, Smilee, Tubudd, Medlink, Yeuladu, Chungxe,...tất cả đã đem đến những mô hình kinh doanh, giải pháp độc đáo mang lại giá trị cho nhà đầu tư cũng như người sử dụng, và đặc biệt là giải quyết được những vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam và có tiềm năng ứng dụng mô hình tại các quốc gia khác trên thế giới.

Những sự đồng hành đầu tiên cùng startup bước ra thế giới

VietChallenge là thành quả hiện tại, nhưng đằng sau những kết quả tốt đẹp nối tiếp này là cả một quá trình nỗ lực thay đổi và cải tiến không ngừng của các startup, mà đặc biệt là dưới sự dẫn dắt và hỗ trợ của rất nhiều thành viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Trong đó, 02 gương mặt tham dự vòng chung kết cuối cùng dường như đã rất quen thuộc với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đó là TubuddMedlink – Top 10 startup tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TECHFEST VIETNAM 2018.(sự kiện trong khuôn khổ Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Cùng với đó, TubuddSmilee cũng là 02 startup được hỗ trợ bởi Vietnam Silicon Valley Accelerator - tổ chức thúc đẩy kinh doanh đầu tiên được thành lập tại Việt Nam dựa trên những nghiên cứu từ Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (VSV) của Bộ KH&CN.

“Lúc mới trở về từ Anh để áp dụng mô hình tại Việt Nam, Tubudd gặp rất khó khăn, ngay lúc đó biết đến và tham gia TECHFEST 2017, chúng tôi đã được tiếp cận Đề án 844 và Đề án VSV của Bộ Khoa học và Công nghệ. Từ những thông tin được hướng dẫn bước đầu này, cuối năm ngoái, Tubudd đã được nhận đầu tư vốn từ VSVA, cũng như được cố vấn bởi các anh chị tại đây, chính thức có được những bước chuyển mình hết sức quan trọng” – Vũ Thái An, Founder của Tubudd, một ứng dụng hỗ trợ dịch vụ du lịch, chia sẻ.


Tubudd Thai An
Vũ Thị Thái An (chính giữa) tại TECHFEST VIETNAM 2018 (Ảnh: TECHFEST VIETNAM)

Từ đó đến nay, Tubudd đã gặt hái được thành quả nhất định, từ Startup được bình chọn nhiều nhất và Top 10 startup tại TECHFEST VIETNAM 2018, rồi Top 10 Pitch@Palace Vietnam 2018 tổ chức bởi Hoàng gia Anh, đến Giải nhì Vietnam Smart Tourism Startup Contest 2019 của Tổng cục du lịch và đến nay là tiến tới Top 6 Vietchallenge toàn cầu.

Ở một góc độ khác, Medlink lại là mô hình startup đang triển khai những bước đầu tiên ở Việt Nam nhưng lại đủ khả năng cạnh tranh quốc tế. Medlink là nền tảng kết nối trực tiếp người tiêu dùng, các công ty sản xuất thuốc và nhà thuốc trên cả nước nhằm giảm chi phí kinh doanh tối đa cho công ty dược. Founder Nguyễn Ngọc Huyền có thể xem như đã “trưởng thành” thông qua TECHFEST và những chương trình tương tự.

Medlink trong techfest 2018
Nguyễn Ngọc Huyền (trái) founder của ứng dụng Medlink tại TECHFEST VIETNAM 2018 (Ảnh: TECHFEST VIETNAM)

Công ty này là một trong hai đại diện của Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi TECH-I 2019 được tổ chức bởi Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ. Ngày 20/06 vừa qua, Medlink đã giành Giải Nhất và Giải Đặc Biệt tại Techsauce Global Pitch Competition 2019 trong khuôn khổ Techsauce Global Summit 2019 - sự kiện lớn nhất về công nghệ tại khu vực Châu Á, diễn ra tại Thái Lan.

Việt Nam trong quá trình tiếp nhận mạnh mẽ “khởi nghiệp sáng tạo”

Là một trong những startup hiếm hoi có tầm nhìn quốc tế ngay từ khi bắt đầu, Thái An chia sẻ mô hình kinh doanh của Tubudd dù đã được ủng hộ bởi các nhà đầu tư và thị trường nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam thì lại có nhiều rào cản.

"Thị trường du lịch Việt Nam cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở đây còn mới và còn nhiều vấn đề mơ hồ, khác rất nhiều so với các thị trường khác. Có lẽ chính vì vậy mà các nhà đầu tư ở đây dường như cũng rụt rè và thiếu niềm tin vào chúng tôi hơn. Dẫu vậy, quay trở về phát triển ở Việt Nam, tôi đánh giá đây là một thử thách có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mình, một khi chứng minh được mô hình này thành công ở thị trường Việt Nam, sẽ không khó khăn gì khi áp dụng vào các thị trường quốc tế khác, nhất là khi chúng tôi xây dựng mô hình với tư duy quốc tế ngay từ đầu”, An cho biết.

Những thành công này dường như là một minh chứng rõ rệt nhất không chỉ cho mô hình đổi mới sáng tạo hiệu quả, mà còn là quá trình học hỏi và nỗ lực không ngừng của các sáng lập viên.

Ngọc Huyền của Medlink cũng từng chia sẻ tại một chương trình rằng tham gia các cuộc thi, các chương trình uy tín sẽ là động lực to lớn không chỉ giúp startup phát triển mô hình kinh doanh đúng hướng, mà còn nhận được sự quan tâm phù hợp bởi những nguồn lực khác.

“Sau khi tham gia TECHFEST, Medlink được sự quan tâm và hỗ trợ về truyền thông của rất nhiều các cơ quan báo chí. Chúng tôi không mất chi phí cho hoạt động này và các kết quả tăng trưởng được nhìn thấy rõ rệt mỗi khi có chương trình được lên sóng hay bài báo được đăng tải.” – Huyền chia sẻ những chỉ số phát triển tại một hội nghị về truyền thông cho khởi nghiệp tháng 05 vừa qua.

Đồng thời, sau các chương trình, các startup luôn được hỗ trợ kết nối mạng lưới và giới thiệu tham gia các chương trình quốc tế. Định hướng nhân rộng mô hình ở thị trường Đông Nam Á của Medlink là một kỳ vọng được đánh giá khả thi, nhất là khi nhìn vào những thành tựu trên.

Quay trở lại Vũ Thái An, cô cũng trăn trở khi nói về câu chuyện chung của khởi nghiệp: “Startup chúng tôi không thể đi một mình mà cũng không muốn làm việc đơn lẻ”.

An nhận thấy có rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác như họ đang mong muốn đem lại những giá trị mới, sáng tạo và đột phá cho nước nhà và cần thêm rất nhiều những cơ quan, tổ chức cùng đồng hành và hỗ trợ.

“Tôi rất mong mỏi rằng cộng đồng Việt Nam sẽ chấp nhận cái nhìn mới về những giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá, dù có nhiều rủi rõ nhưng lại có khả năng giải quyết được những vấn đề lớn đang tồn tại một cách hiệu quả hơn. Chúng tôi là đại diện cho những con người từ bỏ những công việc an toàn và môi trường thuận lợi ở nước ngoài để quay trở về đóng góp cho quốc gia, và chính vì lẽ đó rất cần sự ủng hộ và chia sẻ của chính quê hương mình để cùng nhau mang lại những đổi thay”, An cho biết.

Có thể nói, những giải pháp giải hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang được thực hiện tận tâm, chất lượng bởi các đại diện tiêu biểu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Có lẽ tương lai sẽ xuất hiện thêm nhiều dấu ấn mới từ các Startup Việt ra trường quốc tế và cùng đưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực cũng như trên thế giới.

7 start-up tham gia tranh tài tại vòng chung kết quốc gia VietChallenge 2019

+Chungxe xây dựng một nền tảng trực tuyến nhằm hỗ trợ khách hàng chia sẻ và thuê các loại phương tiện khác nhau một cách dễ dàng và tiết kiệm bằng các dịch vụ như: so sánh giá, xếp hạng và đánh giá, thanh toán, bảo hiểm cho khách hàng và chủ phương tiện...

+ Enmay cung cấp sản phẩm thay thế bao bì thân thiện với môi trường từ Mycellium.

+ Medlink hướng tới mục tiêu thay đổi hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam bằng cách tạo ra nền tảng kết nối trực tiếp người tiêu dùng, các công ty sản xuất thuốc và các nhà thuốc trên cả nước.

+Smilee Vietnam cung cấp bộ làm trắng răng đơn giản cho người tiêu dùng, gồm keo làm trắng răng hỗ trợ đền LED.

+Tubuudlà một nền tảng kết nối cá nhân du lịch tại Việt Nam với người dân địa phương.

+Wicarecung cấp bảo hiểm điện tử, trong đó sẽ tặng thưởng cho khách hàng qua mỗi lần họ tập thể thao hoặc vận động.

+Yeuladu là diễn đàn mở gồm hơn 450.000 thành viên với mục tiêu giáo dục giới tính và an toàn tình dục cho giới trẻ. Cộng đồng Yeuladu được hỗ trợ bởi hơn 30 chuyên gia, bác sĩ, nhà tâm lý học, luật sư...