Với chiến lược chống dịch tốt và hệ thống tiêm chủng hoàn chỉnh từ trung ương đến cấp phường xã, Việt Nam có đủ thời gian để chuẩn bị cho tiêm chủng bao phủ, dù chưa chủ động được nguồn cung vaccine nội địa và đàm phán nhập khẩu.

Ưu tiên vùng dịch bệnh và nhóm nguy cơ

Quá trình chống dịch Covid ở Việt Nam đã chuyển từ trạng thái “bao đê” ngăn chặn Covid sang chủ động phản công đẩy lùi để sớm mở cửa đất nước trở lại, khi bắt đầu những mũi tiêm vaccine đầu tiên. Chiều 12/3, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp, thảo luận về các vấn đề liên quan đến triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19, chính sách “visa vaccine”. Đây là điều không chỉ được các nhà quản lý bàn bạc trên bàn nghị sự mà còn thu hút sự quan tâm thảo luận trong dư luận xã hội trong những ngày gần đây.

Những mũi tiêm vaccine Astrazeneca đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: baochinhphu
“Mục tiêu đặt ra hiện nay là phải làm sao để tăng độ phủ vaccine, chứ để các nước khác tiêm xong rồi sang năm mình mới tiêm là không được. Ngay cả nước người ta tiêm rồi mà nước mình chưa tiêm thì làm sao dám cho người ta nhập cảnh?”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhận định. Ông cho biết, độ phủ vaccine phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố - một là nguồn cung vaccine, hai là hệ thống tiêm chủng, trong đó, yếu tố thứ hai gần như không phải lo lắng vì Việt Nam có hệ thống tiêm chủng từ trung ương tới phường xã hội từ lâu, nay chỉ cần khởi động, huấn luyện lại để tiêm vaccine mới. Như vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay chỉ còn là nguồn cung vaccine mà Việt Nam có thể thu xếp, đàm phán hay là tới đây chủ động thêm nguồn nội địa.

Hiện tại, hầu hết dư luận đều tập trung vào điểm: trong điều kiện không dư dả về tài chính, chưa thể chủ động về vaccine (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước) thì làm thế nào để đảm bảo tính công bằng trong phân phối vaccine và mọi người dân đều được tiêm chủng? Đây là một băn khoăn có lý bởi hiện nay, chúng ta mới có hai nguồn vaccine của hãng Astrazeneca nhập khẩu về Việt Nam1 (các nguồn khác vẫn đang đàm phán nhưng chưa có thông tin cụ thể): một là nguồn hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility, cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) thành lập nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả cho các quốc gia. Nguồn vaccine này sau khi về đến Việt Nam sẽ được chuyển thẳng cho Chương tình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; hai là khoảng 30 triệu liều vaccine Astrazeneca nhập khẩu theo thỏa thuận ký kết giữa Bộ Y tế, Công ty Astrazeneca và Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Hiện nay cả hai nguồn vaccine này đều không về Việt Nam ngay lập tức mà theo nhiều đợt cho đến quãng tháng 8 - tháng 11. Do tổng lượng vaccine mới bắt đầu về rất nhỏ giọt như vài giọt nước chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của người dân trong nước, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng chương trình tiêm chủng vaccine Covid vẫn “bắt buộc phải tính tới đối tượng ưu tiên chứ không thể nào khác được”, vì “ngay cả nước chủ động sản xuất được vaccine như Mỹ, thời gian đầu cũng phải ưu tiên”. Do đó, trước mắt, việc lựa chọn hệ thống y tế và đội ngũ chống dịch là đối tượng ưu tiên tiêm chủng cũng hợp lý bởi họ thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao. Việc họ được tiêm cũng có nghĩa là cắt nguy cơ không lây cho người thân và cộng đồng nữa.

Nên có các phân khúc vaccine

Tuy nhiên, sau khi tiêm xong cho các đối tượng ưu tiên này thì tiếp theo nhóm nào sẽ được tiêm? Các nhà chuyên môn cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào đặc điểm dân số học, đặc thù chống dịch của Việt Nam, ví dụ nếu các nước đều tập trung tiêm ngay cho người cao tuổi thì chưa chắc kinh nghiệm này đã phù hợp với Việt Nam vì người cao tuổi ở Việt Nam không sống tập trung trong các khu dưỡng lão hoặc điểm chăm sóc y tế mà sống cùng gia đình. Do vậy ưu tiên tiếp theo sẽ là các địa phương có dịch, các vùng đông dân cư, các khu vực biên giới, cửa khẩu có lượng người đi đến nhiều. Còn các khu vực dân cư thưa thớt có thể chờ đợi thêm.

Mặt khác, Việt Nam tuy cần triển khai vaccine để mở cửa lại nền kinh tế nhưng không ở tình trạng gấp rút phải ngay lập tức giảm hệ số lây nhiễm như ở các nước đang chịu dịch bệnh hoành hành. Vì thế, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Việt Nam có thời gian để vừa tiêm phòng vừa đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược chứ không nhất định phải cứng nhắc theo một phương án.

Covid đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, nhưng có những cá nhân, nhóm, vì điều kiện công việc, hoặc không muốn chờ đợi theo thứ tự được tiêm trong chương trình quốc gia mà muốn được tiêm dịch vụ sớm thì sao? Trên thực tế, với các loại bệnh truyền nhiễm khác, Việt Nam vẫn có dịch vụ tiêm vaccine tồn tại từ lâu và có quy trình kiểm soát hoàn chỉnh. Vì vậy theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, vẫn cần phải tính đến phương án sao cho vẫn có dịch vụ tiêm chủng để phục vụ nhu cầu đa dạng nhóm cư dân khác nhau. Hiện nay vaccine còn đang khan hiếm nhưng ông tin rằng trong tương lai gần, năng lực sản xuất và nguồn vaccine của thế giới sẽ tăng lên, có lẽ khoảng tháng 9 thì lượng vaccine sẽ dồi dào trở lại.

Tránh thổi phồng thông tin phản ứng vaccine

Trong tuần qua, báo chí trong nước đưa tin nhiều về các trường hợp bị phản ứng khi tiêm vaccine, thậm chí một vài nước đang tạm dừng tiêm vaccine của hãng Astrazeneca nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng mức độ phản ứng hiện nay đang ở trong tỉ lệ cho phép và cần có cái nhìn toàn diện với việc tiêm chủng vaccine Covid. Thực tế các nước như Mỹ, Anh, Israel đã tiêm chủng cho hàng chục triệu người và vẫn đang tiếp tục tiêm vaccine nhằm ngăn chặn bệnh dịch.

Ông cũng cho rằng, ngành Y tế đã “chịu khổ từ lâu rồi” trước làn sóng phản đối chủng ngừa vaccine, thông tin về phản ứng với vaccine thường được dịch từ nước ngoài sang tiếng Việt một cách thiếu hệ thống, thiếu các căn cứ khoa học khác và sau đó bị thổi phồng không đáng có. Đối với việc tiêm một loại vaccine rất mới là Covid, cần có sự thận trọng, vừa tiêm chủng vừa đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng cần truyền thông hết sức khách quan, dẫn liệu đầy đủ căn cứ.

Chú thích:
[1] https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-1985