Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tận dụng lợi thế của Internet để mở rộng kinh doanh, Chính phủ cần thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển.

Ảnh minh họa.

Khuyến cáo trên được đưa ra tại Hội thảo Thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ngày 29/10 ở Hà Nội.

Dịp này, kết quả nghiên cứu “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” chính thức được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) công bố.

Kết quả nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác quốc tế xuyên biên giới thông qua các phương thức nối mạng hiện đại trở nên phổ biến với quy mô lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong nền kinh tế ngày càng lớn.

Nghiên cứu gồm 5 phần chính: Internet và hoạt động của các DNVVN; Các DNVVN tại Việt Nam; Internet và thương mại điện tử ở Việt Nam; Các yếu tố kinh doanh điện tử và ảnh hướng tới hoạt động của các DNVVN tại Việt Nam; Các nghiên cứu trường hợp về lợi ích của internet và thương mại điện tử đối với các DNVVN.

Đặc biệt trong phần cuối, nhóm nghiên cứu đã đi sâu phân tích một số trường hợp DNVVN tiêu biểu để có cái nhìn cụ thể hơn về những tác động của Internet tới chiến lược và hoạt động của DNVVN.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng Internet và công nghệ thông tin là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp giảm chi phí giao dịch và tạo ra sân chơi bình đẳng.

Dựa trên kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm nghiên cứu khuyến nghị: chính phủ nên thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ Internet và đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.

Những doanh nghiệp chủ chốt nhất trong nền kinh tế nên tận dụng lợi thế của Internet để phát triển doanh nghiệp của mình và đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế.

Internet và thương mại điện tử ngày càng trở thành một phương thức có hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, khu vực tư nhân cần tập trung hơn vào lĩnh vực này.

Từ khía cạnh phát triển bền vững vùng, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, cho rằng: “Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết phải xem xét các yếu tố về công bằng trong tiếp cận internet và thương mại điện tử của các vùng trên cả nước.”

Nghiên cứu quốc tế trước đó đã chỉ ra rằng Internet có thể đóng góp một giá trị lớn vào nền kinh tế quốc gia, 75% trong đó là những ngành truyền thống và không phải công nghệ thông tin.

Ông Alex Long - Giám đốc đối ngoại công ty Google khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể nâng cao việc sử dụng Internet để tiết kiệm tiền, vươn tới những thị trường mới và nâng cao năng suất lao động.

Tới đây, ông Alex Long cho biết, Google muốn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng được tối đa lợi ích kinh tế từ Internet.

Nghiên cứu này được sự hỗ trợ của Công ty Google khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm nâng cao hiểu biết về thực trạng thương mại điện tử, internet và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.