“Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Những sáng kiến đổi mới công nghệ thành công sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư và đạt mục tiêu tăng trưởng xanh”.

Đó là kỳ vọng về một nền kinh tế phát triển bền vững đã được ông Achim Fock -quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - bày tỏ tại lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” vừa qua.

Nhiều sáng tạo tối ưu công nghệ

Skyfarm là 1 trong 19 doanh nghiệp được Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng dụng với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” và hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm chính của Skyfarm là rau, củ, quả tươi theo mùa, an toàn được sản xuất trên quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (đầu tiên bên trái) trao giải cho nhóm ươm tạo. Ảnh: Anh Tuấn
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (đầu tiên bên trái) trao giải cho nhóm ươm tạo. Ảnh: Anh Tuấn

Bên cạnh những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đã ứng dụng trong sản xuất như canh tác trong nhà, tưới nhỏ giọt..., Skyfarm đang tiếp tục tìm hiểu công nghệ mới từ các quốc gia phát triển như công nghệ chiếu sáng, duy trì thông số môi trường vi khí hậu cho cây trồng phát triển.

Ông Trần Thái Dương - Giám đốc Skyfarm - cho biết, ông đã tiếp cận được nhiều ý tưởng hoàn toàn có thể kết hợp với Skyfarm để tối ưu quy trình sản xuất xanh, sạch. Trong số đó, có ý tưởng sử dụng địa nhiệt - lấy nhiệt từ lòng đất để sưởi ấm hoặc làm mát môi trường bên trên mặt đất.

Không giấu được niềm vui khi nhận giải Thương mại hóa của VCIC, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Giám đốc Công ty Novas - hồ hởi giới thiệu về hiệu quả hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED của công ty.

Với hệ thống này, ông Bình - một ngư dân ở huyện Phú Vàng (Thừa Thiên Huế) - đã đánh bắt được hơn 40 tấn cá trong mỗi chuyến đi biển, lãi hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, với hệ thống chiếu sáng trước đây, mỗi chuyến đánh bắt của ông chỉ cho sản lượng 15-25 tấn.

Theo ông Hải, khi đánh bắt xa bờ, mỗi tàu cá thường dùng 50-100 đèn cao áp 1.000W - điện năng tiêu thụ tương đương một máy điều hòa nhiệt độ. Nếu sử dụng hệ thống đèn LED chiếu sáng của Novas, ngư dân sẽ tiết kiệm tới 80% điện năng tiêu thụ và tăng 30% năng suất thủy sản đánh bắt được. Do đó, mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn (khoảng 300 triệu đồng) nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn.

Hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng của Novas áp dụng các nghiên cứu của Hàn Quốc, Nhật Bản, sử dụng nước biển để làm mát, có thêm đèn công suất 1.000W hạ sâu xuống 50m để dẫn dụ cá ở tầng nước sâu. Do chi phí ban đầu cao nên hiện nay mới chỉ có 6-7 hệ thống được lắp đặt và 11-12 hệ thống đang trong giai đoạn hoàn thiện trước khi bàn giao.

“Hệ thống của chúng tôi vừa giúp tiết kiệm năng lượng, lại tăng sản lượng đánh bắt cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân. Chúng tôi vui vì có thể phần nào giúp người dân vượt qua được những khó khăn đang chồng chất trước mắt” - ông Hải nói.

Khởi nghiệp gắn với tăng trưởng xanh

Theo Giám đốc điều hành VCIC David Monkman, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các biểu hiện của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, khô hạn, thời tiết cực đoan. Điều này khiến nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong khi việc tiêu thụ năng lượng đã tăng gấp 3 lần trong thời gian qua.

“Nếu chúng ta không can thiệp cụ thể, không có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững” - ông Monkman nhấn mạnh.

Trước vấn đề đó, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều thể chế, chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường năng lực quốc gia thích ứng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành kinh tế. Việc Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) là một minh chứng cho thấy Chính phủ đã sẵn sàng hành động.

“Công nghệ sẽ là nền tảng quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu. Nó tạo ra các cơ hội và hiện thực hóa tùy theo trình độ, điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia” - ông Ngọc Anh nói.

Trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, VCIC là một phần của chương trình Phát triển công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu của nhóm Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối 7 trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. VCIC được tài trợ bởi Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế - Vương quốc Anh, giúp các doanh nghiệp huy động vốn, bồi dưỡng năng lực và cung cấp các dịch vụ tài chính, tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp công nghệ xanh trong 5 lĩnh vực chính: Năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý tài nguyên nước.