Yêu cầu chỉ ra một cách “thiết thực”, về những vấn đề còn tồn tại trong chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp, từ đó tìm chính sách giải quyết được Thủ tướng đặt ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 phải đứng top 10 thế giới về chế biến nông lâm thủy sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” ngày 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “các doanh nghiệp trình bày, chỉ rõ các vướng mắc, từ đó mới đề xuất được các giải pháp” và ông nhiều lần nhấn mạnh cần “thảo luận đến nơi đến chốn”.

“Chúng ta đã có nhiều chính sách [cho lĩnh vực cơ giới hóa và chế biến] nhưng chưa tập trung, lần này phải có chính sách được coi là 'cú đấm thép' của Nhà nước để làm tốt khâu cơ giới hóa và chế biến nông sản”, Thủ tướng nói.

Mặc dù đã có nhiều thành tựu, từ “đủ ăn” tới chỗ nhiều ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu thuộc top đầu thế giới, nhưng như trong báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ ra, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là “sơ chế, có giá trị gia tăng thấp (chiếm khoảng 70-85%)”. Đơn cử, một ngành đứng thứ hai thế giới là café vẫn chủ yếu là chế biến thô, tỉ lệ chế biến sâu chiếm khoảng 12%. Còn mức độ cơ giới hóa ở một số khâu còn thấp, trang bị động lực bình quân trên ha còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 40% so với Thái Lan), trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, ví dụ như hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ.

Do đó, tại Hội nghị, các doanh nghiệp được coi là đầu tàu và các địa phương chủ lực một số ngành hàng khẳng định quyết tâm đầu tư cho nông nghiệp nhưng cũng đưa ra nhiều kiến nghị chính sách.

Các doanh nghiệp cho rằng nên có cái nhìn khách quan, đúng đắn về tiềm năng, giá trị của ngành vẫn bị coi là nhiều rủi ro này. Như ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đề nghị “không coi [làm] nông nghiệp là nghèo nàn và thấp kém, đừng đề cao bất cập mà đánh giá thấp ngành nông nghiệp để rồi mất đi động lực đầu tư”. Ông cho biết cam kết sẽ tập trung vào nông nghiệp hữu cơ với mô hình tích hợp đồng bộ - hiện tại công ty này đang đầu tư chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu rau quả, đầu tư vào chăn nuôi và thủy sản nhưng đề nghị ngân hàng “chấp nhận cho vay vốn và nhận tài sản thế chấp để công ty làm nông nghiệp”.

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng nhận xét “phần lớn doanh nghiệp lớn đã có nguồn lực, còn các hợp tác xã rất khó tìm vốn”. Do đó ông đề nghị “có cơ chế cho hợp tác xã vay với lãi suất thấp để phát triển các tổ hợp tác”, thúc đẩy mối liên kết theo chuỗi, bởi vì hiện nay diện tích đất nông nghiệp manh mún, các doanh nghiệp phải liên kết với tổ hợp tác thì mới có thể sản xuất lớn.


Hội nghị có 500 đại biểu tham dự trực tuyến ở đầu cầu Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở trung ương tham dự, điểm cầu các tỉnh có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng đại diện các Sở, ban, ngành các địa phương; đại diện một số Viện, trường, Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu. Ảnh: Đinh Tùng.

Bên cạnh chính sách cho vay vốn đầu tư hợp lý, các địa phương và doanh nghiệp cũng kiến nghị nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông cho một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc. Bà Trương Thị Lệ Khanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết quãng đường từ TP Hồ Chí Minh đi Đồng Tháp – một “cái nôi nông sản của ĐBSCL”, dù chỉ khoảng 140km nhưng “mất tới 3-4 giờ đồng hồ do kẹt xe”. Trong khi, “chi phí logistic mà một quả xoài Đồng Tháp phải gánh đã chiếm tới 50%”, bà Khanh nói. Về phía địa phương, ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch Tỉnh Sơn La cũng kiến nghị cần có đường cao tốc để giảm chi phí vận tải, vì nếu chi phí vận tải lên thủ phủ của vùng trồng rau, quả ăn trái xứ lạnh này giảm thì “các doanh nghiệp mới tới đầu tư”.

Một vấn đề không chỉ các doanh nghiệp đầu tư mà các hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội gỗ đều lên tiếng là chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế hiện nay trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất thấp. Có tới 55,6% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ.

Trước các kiến nghị chủ yếu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “các địa phương, bộ ngành lắng nghe để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển, để đón bắt thời cơ mới, điều kiện mới. Sau Hội nghị này sẽ có chỉ thị để định hướng và chiến lược về phát triển công nghiệp chế biến và cơ khí hóa nông nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản với mục tiêu 10 năm nữa Việt Nam đứng trong top 10 thế giới.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian vay và có lãi suất ưu đãi các dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp chế tạo các loại máy cho nông nghiệp và xây dựng đề án về logistics nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm.

Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng giao triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực ngành chế biến nông sản.