Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo "Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Hội thảo do Cục Sở hữu Trí tuệ phối hợp cùng Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 6/5 tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện.

Hiện nay sở hữu trí tuệ đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, các giá trị của doanh nghiệp tạo ra từ các tài sản trí tuệ như sáng chế, bí mật kinh doanh, bản quyền ngày càng cao hơn và sở hữu trí tuệ đang là công cụ giúp nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp nói riêng cũng như của mỗi nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh thì việc sử dụng và khai thác, cũng như định giá tài sản này ở Việt Nam vẫn còn những bất cập.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo.

Nhìn nhận thẳng thắn thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò sở hữu trí tuệ là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực canh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng còn chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa loại tài sản này. Theo đó, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, cả phía doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước cần nỗ lực hơn để đưa sở hữu trí tuệ có những đóng góp giá trị cao cho doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Trong khi ngành dệt may đang là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đặc biệt là với xu thế hội nhập hiện nay và góp một doanh số lớn trong GDP, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội với số lượng lao động lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh việc được hưởng những lợi ích, những ưu đãi, thì các doanh nghiệp ngành dệt may của Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức như vấn đề giá cả cạnh tranh, nguyên liệu...

Do vậy muốn nâng cao được năng lực sản xuất, giữ vững, mở rộng thị trường thì một trong những công cụ quan trọng cần được đầu tư, sử dụng để phát triển bền vững sở hữu trí tuệ. Việc quản lý và sử dụng tốt chiến lược sở hữu trí tuệ sẽ giúp giảm đến mức tối thiếu rủi ro, xây dựng mối quan hệ kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Toàn cảnh buổi hội thảo "Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tổ chức sáng 06/05 tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đưa ra nhiều tình huống tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như cách để đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu... để doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Những thắc mắc này đã được các nhà quản lý hướng dẫn chi tiết đồng thời cũng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm để đại diện các doanh nghiệp có thể vận dụng trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam bước vào hội nhập.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị trực thuộc Bộ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ... giúp nâng cao giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.